Các tỉnh phía Bắc chịu nhiều thiệt hại nặng do giông lốc, mưa đá

Minh Châu|22/04/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trên địa bàn các tỉnh vùng núi phía Bắc xảy ra mưa dông kèm lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh trên diện rộng gây thiệt hại về tài sản, hoa màu và nhà ở của người dân.

Trên địa bàn huyện Sìn Hồ, Lai Châu mưa lũ kèm gió lốc xảy ra vào tối ngày 17/4 đã làm lật một chiếc thuyền chở theo 4 người tại vùng ngập thủy điện Sơn La thuộc xã Nậm Mạ, 2 người mất tích. Mưa dông cũng gây thiệt hại tài sản khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Tại Lào Cai, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà và thị xã Sa Pa, làm 151 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại do mưa dông gây ra là gần 3 tỷ đồng.

Tại Sơn La, theo thống kê ban đầu, đến sáng 21/4, trận dông lốc lớn kèm theo mưa đá xảy ra vào chiều 20/4 đã làm hàng trăm ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng. Các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên.

Tại các huyện đã tổ chức thăm hỏi động viên gia đình có người bị thương; duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh;

Sẵn sàng các phương án ứng phó bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra; tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại trong đợt dông lốc, mưa đá đồng thời gửi báo cáo bổ sung về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La.

giong-loc.jpg
Nhiều ngôi nhà của người dân tại xã Kim Bon, huyện Phù Yên (Sơn La) bị hư hỏng.

Tại Cao Bằng dông lốc cũng đã cuốn phăng hơn 800 mái nhà, dông lốc cũng làm hơn 280ha ngô, 30ha cây thuốc lá, gần 1ha rừng keo, trúc bị gãy đổ. Trận mưa dông đêm 17, rạng sáng 18/4 cũng đã gây thiệt hại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được tiến hành khẩn trương.

Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Bắc Kạn, từ đêm 19/4 đến rạng sáng 21/4, địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa vừa trên diện rộng (lượng mưa phổ biển từ 16-36mm) kèm gió lốc, gây thiệt hại về nhà ở và hoa màu của người dân.

Báo cáo sơ bộ của các địa phương cho biết tính đến 17 giờ ngày 21/4, dông lốc đã làm 588 ngôi nhà bị tốc mái. Số nhà bị tốc mái tại huyện Ngân Sơn là 63 nhà (trong đó có 39 hộ nghèo, cận nghèo); huyện Bạch Thông 30 nhà (trong đó có 11 hộ nghèo, cận nghèo); huyện Chợ Đồn 29 nhà (trong đó có 7 hộ nghèo, cận nghèo); huyện Na Rì 260 nhà (trong đó có 95 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách), huyện Ba Bể 174 nhà (trong đó có 15 hộ nghèo, cận nghèo)...

Gió to, mưa lớn cũng làm 179,95ha ngô, thuốc lá, keo, mỡ, cây ăn quả bị gãy đổ; 57 chuồng trại, lán bị ảnh hưởng; 1 cột điện đổ, 1 cầu treo bị tốc mặt cầu tại huyện Na Rì; 3 nhà văn hóa thôn, 2 trụ sở xã, 4 trường học bị ảnh hưởng... Thiệt hại ước tính đến thời điểm hiện tại khoảng 4 tỉ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hư hỏng về nhà ở. Đối với cây trồng bị đổ, gãy, người dân chủ động chăm sóc để phục hồi; chính quyền địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.

Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Hòa Bình, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại TP.Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4mm, Độc Lập (TP.Hòa Bình) 32,2mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Cụ thể, tại huyện Đà Bắc, mưa dông làm 1 người tại xã Đồng Chum bị thương do bị tấm pro xi măng văng vào người. Mưa lớn kèm dông đã làm 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 42 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 40 ngôi nhà tốc mái trên 60% và 459 ngôi nhà bị thiệt hại dưới 30%.

Mưa lớn cũng đã gây thiệt hại 93,5ha lúa và hoa màu (thiệt hại hoàn toàn 5ha, thiệt hại trên 50% khoảng 33,5ha, thiệt hại dưới 30% khoảng 55ha). Đối với cây lâm nghiệp, mưa lớn làm gãy đổ 53ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn khoảng 23ha, thiệt hại trên 50% khoảng 30ha. Mưa lớn cũng đã làm thiệt hại 2 lồng nuôi cá tại xã Nánh Nghê. Ngoài ra, mưa dông kèm sấm sét đã làm đổ 1 cột điện tại xã Tân Minh và chập cháy đường dây điện cao thế tại xã Toàn Sơn.

Tính đến thời điểm 15 giờ ngày 21/4, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 772 ngôi nhà bị tốc mái. Bên cạnh đó, 118,7ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó hoa màu là 42,5ha, ngô 45,5ha, thuốc lá 30,6ha... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn một số thiệt hại khác như cây gãy, đổ ra đường, cột điện và tường rào bị đổ...

Đặc biệt, trận dông lốc xảy ra vào đêm 20/4, rạng sáng 21/4 đã khiến 8 tàu, thuyền ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) bị đắm. Trên địa bàn huyện đảo Cô Tô có mưa to, kèm theo giông lốc với gió cấp 5-6, có lúc giật cấp 7-8. Trận lốc cũng làm nhiều cây xanh ven đường, biển quảng cáo bị đổ, hỏng; một số nhà dân, trụ sở đơn vị lực lượng vũ trang bị tốc mái tôn...

Huyện Cô Tô đã huy động trên 50 cán bộ, chiến sĩ, điều động 1 tàu cứu nạn, 2 xuồng và 2 ô tô cùng với người dân nhanh chóng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

mua-giong-1.jpg
Lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm cứu nạn những người trên tàu thuyền gặp nạn do dông lốc gây ra.

Kết quả, lực lượng chức năng đã kịp thời cứu hộ 8 ngư dân trên 8 phương tiện bị đắm vào bờ an toàn. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở đã phối hợp với nhân dân trên địa bàn huyện Cô Tô thu dọn cây xanh, biển quảng cáo bị đổ. Đồng thời tiến hành hỗ trợ người dân khắc phục tình trạng nhà bị tốc mái tôn...

Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê đánh giá mức độ thiệt hại; tổ chức các đoàn kiểm tra hiện trường cùng chính quyền cơ sở huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ khắc phục các hư hỏng về nhà ở, chủ động chăm sóc cây trồng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh phía Bắc chịu nhiều thiệt hại nặng do giông lốc, mưa đá