Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn chọn được những quả vải thơm ngon, chất lượng, không bị sâu đầu, đồng thời cũng mách bạn cách bảo quản để vẫn có vải ăn khi đã hết mùa.
Cùi vải mềm, dầy màu trắng trong, mọng nước, có mùi thơm nhẹ và dễ tách, hạt nhỏ là vải ngon.
Bí kíp chọn vải thơm, ngon
Quan sát vỏ: Vải ngon là vỏ của quả vải phải còn tươi, mỏng, gai ở vỏ nhẵn. Cành của quả vải nhỏ và dẻo. Tránh mua những quả vải cành đã khô, vỏ có đốm khô. Đặc biệt, những quả có vết thâm ở cuống thì không nên mua vì quả như vậy dễ bị sâu đầu. Bên cạnh đó, vỏ của quả vải phải có màu hồng tươi, quả đều nhau. Gai trên vỏ càng nhiều, càng nhọn nghĩa là vải còn xanh. Những quả này thường sẽ chua.
Vải ngon nhất khi vừa chín tới. Vải tươi ngon là khi sờ vào quả phải mềm tay nhưng vẫn có độ đàn hồi. Nếu quả vải bị mềm, không đàn hồi nghĩa là quả đã chín quá, ăn không ngon.
Ngửi mùi: Dù hương thơm không đậm nhưngvải vẫn có mùi đặc trưng. Vải tươi ngon khi ngửi sẽ thấy hương thơm nhẹ. Nếu ngửi thấy quả vải có mùi chua, mùi lên men, mùi lạ thì không nên chọn vì rất có thể đã ủng hoặc quá cũ.
Tách cùi, xem hạt: Sau khi lột vỏ, hãy từ từ tách thử phần cùi vải. Cùi vải mềm, màu trắng trong, mọng nước, khi lột mới bắt đầu rỉ mật, có mùi thơm nhẹ, cùi dầy và dễ tách, hạt nhỏ là vải ngon. Nếu thấy khó tách hạt, hạt to, cùi nhão, mùi kém thơm hoặc có mùi lạ thì không nên chọn.
Cảm nhận hương vị: Khi mua, nên bóc 1-2 quả vải để nếm thử. Vải ngon phải có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Vải thiều có cùi dày, hạt nhỏ và vị ngọt hơn so với vải lai.
Cách chọn vải sấy ngon: Nếu không có điều kiện thưởng thức vải tươi, bạn cũng có thể tham khảo một số kinh nghiệm chọn vải sấy thơm ngon như: Quả vải sấy khô đạt tiêu chuẩn là có vỏ ngoài khô đều, giữ nguyên dáng hoặc chỉ móp nhẹ, cuống không bị sâu. Khi bóc, long vải thơm dẻo, ngọt sắc, sờ không dính tay và có màu cánh gián đậm. Nếu long có màu đen là khi sấy vải đã bị cháy; còn nếu long vải màu nâu nhạt là sấy vải chưa đủ độ, loại này chỉ để ăn ngay trong thời gian ngắn.
Bảo quản vải bằng hộp và trong ngăn mát tủ lạnh, độ tươi ngon duy trì đến 2 tháng. Ảnh minh họa
Cách bảo quản vải tươi ngon trong thời gian dài
Bảo quản vải thiều bằng túi zip: Vải thiều mới mua về, muốn giữ nguyên độ tươi ngon trong vài ngày cần thực hiện theo các bước: Cắt rời từng trái vải, chừa lại phần cuống 1 – 2cm trên mỗi quả. Rửa sạch và để vải ráo nước, thật khô. Chia thành từng phần nhỏ trong các túi zip rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Cách bảo quản này có thể giữ độ tươi của vải cả tuần.
Bảo quản bằng hộp và giấy báo: Điều cần ghi nhớ nhất khi muốn bảo quản vải dùng lâu ngày là tuyệt đối không rửa mà để khô. Cắt rời trái vải, chừa phần cuống khoảng 1cm. Chuẩn bị hộp nhựa theo số lượng vải muốn bảo quản và 1 ít giấy báo. Lót vài lớp giấy báo xuống đáy hộp và xếp vải thiều vào, sau 1 lớp quả là 1 lớp báo. Cuối cùng là bọc lớp giấy bảo cho kín toàn bộ chỗ vải, càng nhiều giấy báo càng tốt. Đậy nắp hộp và cho vào ngăn mát tủ lạnh, có thể để lâu tới 2 tháng. Vải khi bảo quản vẫn bị hấp hơi nên có 1 vài quả có thể xuất hiện dấu hiệu hỏng, nhưng tổng thể vẫn tươi ngon như thời điểm ban đầu
Nếu không có hộp giấy, có thể dùng túi nilon hay màng bọc thực phẩm thay thế, nhưng chúng sẽ không gọn và an toàn cho bằng hộp nhựa chuyên dùng đựng thực phẩm.
Bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh: Nếu muốn trữ vải thiều tươi lâu cũng bọc bảo quản bằng hộp và giấy báo như trên rồi cho chúng lên ngăn đá tủ lạnh, khi ăn mang rã đông bình thường, hương vị vẫn thơm ngon như mới.
Ngoài ra, để gọn hơn, có thể bóc vỏ vải rồi xếp trong hộp nhựa, rắc thêm xíu đường cát nếu muốn, đậy nắp hộp rồi bảo quản trên ngăn đông. Khi rã đông sử dụng, hương vị vải không thua kém vải tươi.
Nếu có máy ép chân không, bóc vỏ quả vải rồi xếp chúng vào túi chuyên dụng và hút chân không, bảo quản trên ngăn đông dùng dần.
Phơi hoặc sấy khô: Cách bảo quản này vải sẽ không còn độ tươi và mọng nước, thịt vải chuyển sang màu nâu cánh gián, nhưng vẫn khá thơm ngon và chứa nhiều dưỡng chất. Sau khi phơi sấy thành vải khô, vải thiều bảo quản được lâu nhất mà không sợ bị hư hỏng.
Ngâm nước vải: Tách lấy phần cùi vải và để ráo nước. Nấu đường cát hoặc đường phèn với nước cho tan và sôi lăn tăn, hơi sánh rồi bắc ra để thật nguội. Xếp cùi vải vào hộp có nắp, đổ nước đường cho ngập mặt vải và đậy kín bỏ vào ngăn mát tủ lạnh qua 1 đêm cho thấm đường. Sau đó có thể dùng dần trong 1 – 2 tháng.
Một số lưu ý khi ăn vải
Vải có vị ngọt, cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, nhưng không nên ăn quá nhiều. Trung bình một ngày, mỗi người chỉ nên ăn 200-300g vải và không nên ăn nhiều vải một lúc. Người lớn chỉ nên ăn 5-10 quả/lần, trẻ nhỏ ăn 3-4 quả/lần.
Trong cùi vải có nhiều đường glucoza. Nếu ăn nhiều vải một lúc sẽ khiến một lượng lớn đường glucoza vào máu, vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan, khiến cơ thể tiết insulline tăng lên để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp còn gọi là triệu trứng “say vải”.
Ngoài ra, những người béo phì, người mắc đái tháo đường không nên ăn nhiều loại quả này vì hàm lượng đường cao sẽ có nguy cơ bị tăng lượng đường trong máu.Những người có cơ địa hay mọc mụn nhọt, rôm sảy, nóng trong, chắp lẹo mắt,… cũng không nên ăn nhiều vải.
Mai Ly