(Moitruong.net.vn) – Để bảo vệ đồng ruộng và môi trường nông thôn, chính quyền và bà con nông dân xã Tân Long (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) đã có cách làm hay trong việc bảo quản, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật theo chương trình VietGAP.
Bà con nông dân Tân Long bỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định
Theo một nghiên cứu, hiện có đến 7500 tấn vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải vào môi trường mỗi ngày. Hiện nay, đối với rác thải nông nghiệp nói chung, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật nói riêng, việc bảo quản và xử lý vẫn là thực trạng đáng quan tâm ở nhiều vùng nông thôn, trong đó có xã Tân Long (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long). Trước thực trạng này, bà con xã Tân Long, đã có nhiều tìm tòi, trao đổi với nhau. Từ đó, bà con đã cùng thống nhất cách làm để việc xử lý các loại bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đạt hiệu quả.
Một trong những cách làm đó là bà con nông dân Tân Long đồng lòng tham gia chương trình VietGAP. Kể từ khi tham gia chương trình VietGAP, chính quyền và nhân dân xã Tân Long không còn lo ngại vấn đề bảo quản và xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vì trên đồng ruộng Tân Long giờ đây, nơi tập kết rác thải nông nghiệp dưới dạng các lu, hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã được bố trí sẵn một cách hợp lý. Các lu, hố này do chương trình Vietgap đã hỗ trợ để bà con có nơi chứa rác thải. Mỗi ngày, các loại rác thải này đều được bà con nông dân bỏ đúng nơi quy định.
Lu chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật của bà con xã Tân Long
Ông Lê Văn X, một nông dân xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, “hồi trước bà con không có cái hố nào hết, vì bà con làm ăn riêng lẻ, vô VietGap người ta mới xây hố cho bà con pha thuốc rồi có chỗ đựng bao bì để tiêu hủy. Cứ 100 công trở lại thì người ta đào cho mình 2 cái hố. 1 hố để pha thuốc, 1 hố để đựng chai bì bỏ”.
Cứ cách một tháng hoặc nửa tháng, bà con tập trung thu gom rác thải từ các lu, hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó, rác thải được phân loại kỹ càng, tùy theo tính chất của rác thải mà chọn cách đốt, bán lại cho xưởng tái chế hoặc giao cho xe rác đi tập kết theo khu vực đã quy định.
Thời gian qua, chính quyền xã Tân Long đã ra sức vận động bà con thực hiện tốt chương trình Vietgap, đặc biệt là nội dung quản lí và xử lí rác thải nông nghiệp để bảo vệ môi trường và sức khỏe. Hầu hết, bà con nông dân xã Tân Long đều đồng tình ủng hộ và thực hiện tốt các nội dung này với tinh thần tự giác cao.
Một góc trong kho chứa chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật cách xa nơi ở của bà con nông dân Tân Long
Anh Đặng Gia Q, hào hứng cho hay: “Bà con cô bác bỏ, thì mình tự giác bỏ vô dùm chứ không có phiền hà gì hết. Tui nói ba cái chai bà con lượm để nó lềnh bềnh thấy ghê quá. Bà con lượm bỏ lên chứ đừng bỏ dưới nước. Từ đó những người bỏ bừa bãi ban đầu chưa có ý thức thấy người ta làm cũng tự giác bỏ vô lu”.
Không chỉ gìn giữ môi trường đồng ruộng, bà con xã Tân Long còn thực hiện tốt công tác bảo quản và xử lý phân bón, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại mỗi gia đình. Sau khi được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn cách làm cụ thể, mỗi hộ nông dân đều xây dựng một kho riêng để cất giữ các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các kho này được bà con tuân thủ quy định xây dựng an toàn nên được bố trí ở vị trí hợp lý, cách ly khu sinh hoạt gia đình. Nhờ đó, không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn có thể đảm bảo sức khỏe cho bà con.
Như vậy, cách làm phù hợp tình hình thực tế trong sự đồng thuận, ý thức cao của bà con nông dân đồng thời với công tác vận động, giám sát hiệu quả của chính quyền xã Tân Long đã giúp giải pháp bảo quản, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật của Tân Long đạt hiệu quả. Đây thật sự là giải pháp đáng được nhân rộng ở các địa phương. Để từ đó, các làng quê trên cả nước có thể cùng vượt qua nỗi trăn trở chung về bảo vệ nông thôn, nhất là khi các địa phương đang ra sức hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Lê Nhi