Cách xử lý nước ăn uống, sinh hoạt sau mưa bão

Thùy Linh|29/09/2022 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xử lý nguồn nước cho người dân tại các vùng xảy ra mưa lũ và vệ sinh môi trường phải đặt lên hàng đầu để đảm bảo sinh hoạt và phòng chống dịch bệnh vô cùng cần thiết.

Ở những vùng bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy làm tăng nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, lỵ, thương hàn... và các bệnh ngoài da. Vì vậy khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt là việc làm cấp bách sau mỗi đợt lũ, lụt xảy ra.

Xử lý nước ăn có thể bằng phương pháp lý học hoặc phương pháp hóa học. Khử trùng bằng phương pháp lý học bằng cách đun sôi hoặc chiếu xạ, bảo đảm nước uống an toàn. Phương pháp này đơn giản nhưng lại không thực tế, khó tiến hành trong và sau lũ, lụt do không có chỗ để đặt bếp đun, không có nhiên liệu đốt và tốn kém...

Xử lý nước ăn bằng phương pháp hóa học

Loại hóa chất đang được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam hiện nay là cloramin B và cloramin T. Đây là những hóa chất mà Bộ Y tế cấp cho các địa phương để xử lý nước cho nhân dân trong và sau bão, lụt. Cloramin B hoặc cloramin T được sử dụng dưới hai dạng: viên 0,25g mỗi viên có thể dùng cho 25 lít nước và bột có hàm lượng clo hoạt tính thường là 25%.

Nếu khử trùng bằng bột cloramin B thì theo tỷ lệ sau: 30 lít nước cần 0,3g cloramin B 25%. Có thể dùng thìa canh để đong bột hóa chất, mỗi thìa canh đầy tương đương 10g, như vậy để khử 300 lít nước cần khoảng 1/3 thìa canh bột cloramin B. Lượng hóa chất khử trùng này phải được hòa tan đều trong nước và để sau 30 phút là có thể dùng được nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được. Nếu nước đục, lọc qua vải sạch hoặc gạn nước trong. Nước định khử trùng phải để trong bình không ăn mòn, đậy kín. Tùy theo nồng độ clo trong hóa chất mà dùng liều lượng phù hợp. Khuấy nước đã được xử lý thật kỹ rồi để yên trong 30 phút, dụng cụ chứa nước cần có nắp đậy, nước sẽ hơi có mùi clo. Nếu nước đã xử lý có mùi clo quá mạnh, để nước đứng yên tiếp xúc với không khí vài giờ hoặc đổ nước từ bình này sang bình khác vài lần.

Xử lý nước băng viên aquatabs, đây cũng là một loại hóa chất khử trùng bằng clo hoạt tính được đóng thành viên có thành phần chủ yếu là dichloroisocyanurate natri, khi hòa tan vào nước sẽ giải phóng ra clo. Viên aquatabs được đóng dưới dạng viên nén với 4 loại hàm lượng: 3,5mg để khử trùng cho thể tích nước tương ứng là 1 lít nước, 17mg để khử trùng 5 lít, 67mg để khử trùng 20 lít nước và 500mg dùng để khử trùng 150 lít nước.

xu-ly-nuoc-sinh-hoat.jpg
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lệ Thủy, Quảng Bình tiến hành khử khuẩn nước sinh hoạt bằng dung dịch Cloramin B cho hộ dân sau mưa lũ, Ảnh: TTXVN

Xử lý nước giếng

Nguyên tắc: Ngay khi nước rút, cần xử lý nước và môi trường ngay, thực hiện nguyên tắc “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”.

Đối với giếng khoan chỉ cần bơm hết nước đục và bơm thêm 15 phút nữa bỏ nước đi, sau đó có thể sử dụng được. Cần chú ý làm vệ sinh bơm và sàn giếng.

Đối với giếng khơi, quy trình xử lý cần kỹ hơn. Sau đây là 3 bước xử lý giếng khơi:

Bước 1. Thau rửa giếng nước

Khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng; tháo bỏ nắp và nilông bịt miệng giếng; dùng nước giếng dội lên thành cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành giếng và sàn giếng. Múc hoặc dùng máy bơm hút cạn nước, rồi thau vét giếng.

Nếu không thể thau vét được thì nên chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung. Nếu tất cả các giếng trong khu vực đó đều không thể thau vét được thì xử lý tạm thời bằng cách: múc vài chục lít nước lên bể chứa rồi đánh phèn và khử trùng, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp thì tiến hành thau rửa.

Bước 2. Làm trong nước giếng

Dùng 50g phèn chua cho 1 m3 nước, tối đa 100g/m3 nếu nước đục nhiều. Hoà tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần. Sau đó, để 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết.

Nếu không có phèn chua để làm trong nước: làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20-30 lít, đục một lỗ đường kính 1cm trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25-30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử trùng.

Bước 3. Khử trùng giếng nước:

Hóa chất khử trùng: Cloramin B với liều 10g/m3 hoặc Clorua vôi 20% (13g/ m3), hoặc Clorua vôi 70% (4g/ m3).

Cách xử lý: hoà lượng hoá chất nói trên vào một gầu nước, lưu ý phải khuấy cho tan hết, rồi tưới đều gầu nước này vào giếng. Thả gầu cho chìm sâu rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột hóa chất trên và khuấy đều, cho thêm đến khi nào nước giếng có mùi Clo thì thôi. Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử trùng, sau đó để khoảng 30 phút là có thể dùng được.

Lưu ý: dù sau lũ lụt, nước giếng trong, vẫn phải khử trùng trước khi sử dụng. Nước đã khử trùng vẫn phải đun sôi mới được uống. Trong trường hợp không có hoá chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Bài liên quan
  • Bắc Kạn: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt từ các trại nuôi lợn
    Phân tích mẫu nước thải qua xử lý của một số trại lợn ở các xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông); xã Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới) và trại lợn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Huế tại thành phố Bắc Kạn cho thấy các chỉ số so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi QCVN 62-MT:2016/BTNMT, đều vượt ngưỡng cho phép từ 1 đến 6,6 lần. Nhất là thành phần Coliform, tồn tại trong phân lợn sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cách xử lý nước ăn uống, sinh hoạt sau mưa bão
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.