Bình Định: Một số giải pháp nâng cao chất lượng công trình cấp nước sinh hoạt

Ánh Minh|21/07/2022 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đối với công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, cấp nước liên vùng, tỉnh Bình Định sẽ giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, khai thác; đối với công trình vừa và nhỏ giao Ủy ban Nhân dân xã quản lý, cộng đồng vận hành.

cc3.jpg
Công trình đập dâng ở Suối Đá, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh cấp nước sinh hoạt cho gần 100 hộ đồng bào Ba Na ở thôn Hà Văn Trên.

Ngày 20/7, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, hiện nay các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định hầu hết hoạt động kém bền vững, hiệu quả còn thấp.

Tại các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định hiện có 94 công trình cấp nước tập trung; trong đó có 1 công trình đánh giá hoạt động bền vững, 72 công trình hoạt động kém bền vững và 21 công trình không hoạt động.

Tỷ lệ người dân tại các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 12,8%.

Theo ông Trần Văn Phúc, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết hoạt động kém bền vững, hiệu quả thấp là do qua nhiều năm sử dụng bị hư hỏng, duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm; năng lực quản lý vận hành các đơn vị cấp nước miền núi quá kém; nguồn nước vào mùa khô các công trình cấp nước tự chảy thường bị thiếu.

Bên cạnh đó, công nghệ xử lý nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa đạt yêu cầu theo quy chuẩn nước sạch do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh Bình Định đã đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng, khai thác và duy tu bảo vệ các công trình nước sinh hoạt trong thời gian tới.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể toàn bộ thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đề xuất giải pháp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan cùng Ban Dân tộc tỉnh thẩm định, tổng hợp trình Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh đưa vào kế hoạch 2022 - 2025 để sửa chữa, nâng cấp.

Ngành nông nghiệp và các địa phương cũng sẽ đầu tư đồng bộ từ đầu nguồn đến hộ gia đình để có nguồn nước ổn định, chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn; tính toán phương án thu phí phục vụ cho vận hành và bảo trì; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc.

Đối với công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, cấp nước liên vùng, tỉnh sẽ giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, khai thác; đối với công trình vừa và nhỏ giao Ủy ban Nhân dân xã quản lý, cộng đồng vận hành.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng đề ra một số giải pháp đầu tư các dự án cấp nước sạch nông thôn đối với các xã trong kế hoạch đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khảo sát, tham vấn ý kiến cộng đồng để đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét đầu tư; Ủy ban Nhân dân các địa phương làm chủ đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nông thôn, lập dự án theo hình thức đối tác công tư, huy động nguồn lực hợp pháp triển khai thực hiện.

Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không phải là nhà máy nước sạch, đây là những công trình ở những điểm nhỏ, lẻ thuộc các khu cụm dân cư, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đầu tư hệ thống cấp nước tập trung cho các vùng nông thôn thiếu nước sạch tại các địa phương như thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn, huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ; Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Một số giải pháp nâng cao chất lượng công trình cấp nước sinh hoạt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.