Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình về kết quả kiểm tra công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn tập trung (theo phản ánh của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống).
Đa số các trạm cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ ở Quảng Bình đều chưa thực hiện xây dựng đề án cấp nước an toàn.
Báo cáo nêu rõ, kết quả kiểm tra cho thấy nội dung phản ánh của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống về hiện trạng hoạt động, những vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung do UBND các xã quản lý là có cơ sở. Mặc dù hầu hết các công trình đã được UBND các xã giao khoán cho các Tổ quản lý; tuy nhiên với vai trò là đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý công trình, UBND các xã đã thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc dẫn đến nhiều sai sót như: Không thực hiện ký kết hợp đồng cấp nước với người sử dụng. Không thử nghiệm thông số chất lượng nước, không kiểm định đồng hồ đo nước, không lập Kế hoạch cấp nước an toàn, không lập hồ sơ xin cấp phép khai thác nước, không lập phương án quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình để thực hiện,…. UBND các xã và đơn vị được giao khoán chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, khai thác công trình dẫn đến lúng túng khi thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ theo quy định.
Báo cáo của Sở NN&PTNT về kết quả kiểm tra công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn tập trung (theo phản ánh của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống).
Qua quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra nhận thấy các công trình cấp nước ở nông thôn như Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể: công trình Cấp nước sinh hoạt xã Cảnh Dương được UBND xã Cảnh Dương trực tiếp đứng ra quản lý, vận hành; 09 công trình còn lại được UBND các xã giao khoán cho các Tổ quản lý. Tuy nhiên có 02 công trình (Cấp nước thôn Đại Phong và Cấp nước HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy) không có hợp đồng giao khoán giữa UBND xã và Tổ quản lý. Các đơn vị quản lý về cơ bản thực hiện đầy đủ công tác hoạch toán, báo cáo thu chi hàng năm. Việc lập và thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025. Tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 02 công trình (Cấp nước thôn Đại Phong và Cấp nước HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy) đã được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn, 08 công trình còn lại chưa có Kế hoạch cấp nước an toàn được phê duyệt theo quy định (mốc thời gian quy định là đến 30/6/2021).
Hiện tại duy chỉ có công trình Cấp nước sinh hoạt phường Quảng Phúc thực hiện ký hợp đồng trực tiếp với các hộ sử dụng nước; 09 công trình còn lại chỉ có sổ sách ghi chép chỉ số sử dụng nước hàng tháng. Công trình Cấp nước sinh hoạt phường Quảng Phúc thực hiện thử nghiệm thông số chất lượng nước định kỳ theo quy định; 09 công trình còn lại không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không tuân thủ đúng quy định. Toàn bộ 10 công trình đều không thực hiện kiểm định đồng hồ đo nước định kỳ theo quy định (5 năm/1 lần), mà chỉ thay thế khi đồng hồ bị hư hỏng, không sử dụng được.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ 10 công trình đều chưa có giấy phép khai thác nước và giấy phép về môi trường theo quy định (riêng công trình cấp nước xã Hạ Trạch đang lập hồ sơ xin cấp phép khai thác nước).
Quang cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu bủa vây trạm cấp nước Trúc Ly thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh
Trước thực trạng nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các công trình cấp nước nông thôn tập trung, Sở NN&PTNT kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị quản lý công trình khẩn trương thực hiện các công việc cụ thể như:
Đối với Sở NN&PTNT, tham mưu văn bản của UBND tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh công tác quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, vận hành, khai thác công trình và đề xuất giải pháp xử lý cụ thể cho các công trình hoạt động kém hiệu quả. Tham mưu phân kỳ lập Kế hoạch cấp nước an toàn để các đơn vị quản lý công trình thực hiện trong các giai đoạn 2022-2025; 2026-2030.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện kiểm tra chất lượng nước tại các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo quy định của Bộ Y tế.
Nhiều bất cập tại các trạm cấp nước nhỏ lẻ ở nông thôn của Quảng Bình cần có giải pháp xử lý để người dân sớm được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn, bền vững
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc Uỷ ban nhân dân cấp xã, các đơn vị quản lý công trình cấp nước thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn.
Đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý còn thiếu sót của công trình, khắc phục các tồn tại, hư hỏng của công trình để đảm bảo cấp nước an toàn. Nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung.
Để các trạm cấp nước nhỏ ở nông thôn hoạt động có hiệu quả, đảm bảo tính an toàn, bền vững, thiết nghĩ UBND tỉnh Quảng Bình cần sớm thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm hướng đến việc người dân nông thôn sớm được tiếp cận với nguồn nước an toàn vệ sinh lâu dài.
Ngọc Trâm – Minh Tâm