Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, thành phố vừa triển khai cấm ô tô từ 7 chỗ trở lên tại một số tuyến đường trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Được biết, việc cấm ô tô (có động cơ ) này theo đề xuất của Công an TP Hội An và Phòng Quản lý đô thị thành phố. Trong thời gian cấm các loại ô tô có động cơ, xe điện vẫn hoạt động bình thường, đáp ứng được nhu cầu đi lại, tham quan phố cổ của du khách.
Theo đó, có 5 khu vực tại phố cổ Hội An triển khai việc cấm các phương tiện giao thông để điều tiết giao thông tại các trục đường chính thuộc phố cổ.
Cụ thể, khu vực đường Phan Chu Trinh cấm xe taxi, ô tô từ 7 chỗ và cấm ô tô theo khung giờ từ 16 - 22 giờ tối. Các điểm bị cấm gồm: Ngã tư Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh; Hai Bà Trưng - Trần Hưng Đạo; Lê Lợi - Trần Hưng Đạo; Nguyễn Huệ - Trần Hưng Đạo; Nguyễn Huệ - Phan Châu Trinh. Khu vực này trước đây chỉ cấm ô tô từ 16 chỗ trở lên.
Đường Cao Hồng Lãnh tại ngã ba Tin Lành thực hiện việc cấm ô tô từ 9 chỗ trở lên.
Khu vực đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trường Tộ, Ngô Gia Tự cấm xe ô tô khách từ 16 chỗ trở lên trong các khung giờ 11h - 13h30 và 16h - 21h.
Các điểm bị cấm xung quanh các tuyến này gồm: Ngã tư Hai Bà Trưng - Lý Thường Kiệt; Lý Thường Kiệt - Nguyễn Trường Tộ; Lý Thường Kiệt - Ngô Gia Tự; Ngô Gia Tự - Thái Phiên; Ngô Gia Tự - Trần Hưng Đạo; đường Nguyễn Du; Hùng Vương - Nguyễn Nhiễm; đường Nguyễn Du tại bãi xe lâm nghiệp cũ; đường Lê Hồng Phong tại đường vào dự án Khu dân cư Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa.
Riêng đường Trần Hưng Đạo cấm ô tô 16 chỗ đi một chiều theo hướng từ Đông sang Tây (về phía TX.Điện Bàn). Các tuyến đường này trước đây chỉ cấm ô tô từ 25 chỗ.
Đường Lý Thường Kiệt, đoạn từ Hai Bà Trưng đến Nguyễn Trường Tộ cấm ô tô đỗ. Còn khu vực đường Trần Quang Khải cấm ô tô trên 30 chỗ đỗ và chỉ được dừng xe.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, việc cấm ô tô thành phố đã triển khai trước đây. Hiện nay lượng xe vào trung tâm thành phố quá đông, hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp nên mở rộng đối tượng cấm.
Theo ông Sơn, trong thời gian cấm các loại ô tô có động cơ, xe điện vẫn hoạt động bình thường, đáp ứng được nhu cầu đi lại, tham quan phố cổ của du khách.
ông Nguyễn Văn Sơn, cho rằng cùng với việc cấm các phương tiện nói trên theo giờ, trong thời gian đến khu vực trung tâm phố cổ sẽ cấm toàn bộ xe ô tô các loại có động cơ và chỉ cho phép xe điện, xe đạp hoạt động. Mục đích này nhằm đưa Hội An tiến đến TP môi trường.
"Đưa xe điện vào phục vục du khách là định hướng của Hội An, nên địa phương đang thí điểm cho phép hoạt động. Nếu địa phương cấm xe điện hoạt động như các phương tiện trên thì xe điện sẽ bị thiệt hại nặng", ông Sơn thông tin.
Trong khi đó, giải thích về lý do cấm xe taxi, ô tô các loại nhưng không cấm xe điện, ông Võ Đăng Phong, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hội An cho rằng hiện nay xe điện vẫn đang là phương tiện thí điểm để trung chuyển du khách ra vào phố cổ.
Cũng theo ông Phong, có thể tính toán vào cuối năm nay, TP sẽ cấm toàn bộ các phương tiện vào phố cổ để mở phố đi bộ. Đối với các phương tiện bị cấm do TP Hội An đã thực hiện treo biển báo tại các khu vực cấm, ông Phong cho biết người dân và phương tiện liên quan cần chấp hành đúng theo quy định.
"Hiện nay xe điện đang được tạo điều kiện để hoạt động vào ngoài giờ cao điểm và chỉ hạn chế xe điện ra vào phố cổ vào giờ cao điểm", ông Phong thông tin.
Về tình trạng các xe điện của các đơn vị vẫn đang hoạt động mặc dù chưa chuyển sang biển số màu vàng (xe kinh doanh vận tải), ông Đinh Xuân Nghĩ, Trưởng Công an TP Hội An, cho biết trước đây các đơn vị hoạt động xe điện sử dụng biển kiểm soát màu trắng để hoạt động.
Hiện nay, do có quy định mới nên các đơn vị nói trên vẫn đang trong quá trình chuyển đổi biển số màu trắng sang màu vàng và do Công an TP thực hiện.
Theo ông Nghĩ, việc chuyển đổi biển số xe điện của các đơn vị hoạt động xe điện trên địa bàn do phải mất thời gian và phải theo quy trình từ từ nên dẫn đến việc chậm chuyển đổi biển số. Hiện nay, vẫn còn các xe điện gắn biển số màu trắng đang hoạt động trung chuyển du khách tại phố cổ.