Bảo vệ môi trường

Cân nhắc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải rắn

Theo Báo Đại Biểu Nhân Dân 09:37 19/09/2024

Xử lý rác thải rắn đòi hỏi phải đầu tư công nghệ song cần cân nhắc lựa chọn phù hợp, không thể bê nguyên công nghệ đắt tiền của nước phát triển về áp dụng ngay tại Việt Nam. Đây là đề xuất tại tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18/9.

Tiềm năng lớn, nhưng nhiều thách thức

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, nhìn nhận, ngành công nghiệp tái chế của nước ta rất tiềm năng. Theo đó, đất nước đang trong quá trình đô thị hóa, phát triển nhanh, mỗi năm lượng rác thải sinh hoạt tăng 10%. Mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác thải.

Từ 1.1.2025, theo Luật Bảo vệ môi trường, buộc phải phân loại rác thải tại nguồn. “Đây là cơ hội cho ngành tái chế phát triển”, ông Toàn nhận định.

chat-thai-ran-1.jpg
Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống Nguyễn Văn Toàn chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Mặc dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng song thực tế, ngành công nghiệp tái chế vẫn chưa phát triển. Ông Toàn dẫn chứng, hiện, chỉ 15% số rác thải được thu gom tái chế, sử dụng.

Lý giải điều này, ông Toàn cho biết, các chính quyền địa phương chưa chú trọng đầu tư cho phân loại, tái chế, xử lý rác thải sinh hoạt. Nhiều cơ sở tái chế sử dụng công nghệ cũ, đã lạc hậu nên không đem lại hiệu quả, thậm chí còn là nguồn ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, thời hạn buộc phải phân loại rác tại nguồn đang đến gần. “Quan trọng nhất hiện nay là các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Nếu có công nghệ nhưng không có sản phẩm thì không thể tái chế được”, ông Toàn lưu ý.

GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT bổ sung, xử lý chất thải môi trường, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề lớn của thế giới, không riêng Việt Nam bởi còn nhiễm nhựa, nhiễm nguồn chất thải từ điện tử… Song, với Việt Nam, đây là vấn đề cấp bách hơn và khó hơn thế giới. Bởi lẽ, rác thải ở Việt Nam chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt, có nhiệt lượng thấp, trung bình 5.000 - 5.500 kJ/kg, độ ẩm cao lên tới 60%. Vì thế, tái chế như phát điện sẽ rất khó.

chat-thai-ran-2.jpg
Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Mặt khác, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam không được phân loại từ đầu nguồn, một phần do thói quen sinh hoạt của cộng đồng. Muốn thay đổi thói quen cần có thời gian. Khi không phân loại được từ đầu nguồn thì về mặt công nghệ, để xử lý rác thải hỗn hợp là rất khó. Cùng với đó, giá thành xử lý thấp, chỉ khoảng 400.000 đồng/tấn (chưa đạt 20 USD/tấn) nên cũng khó thu hút đầu tư xã hội hóa. Đó là những thách thức lớn đang đặt ra cho Việt Nam!

Chính
sách cần bảo đảm tính dài hạn

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đổi mới phương thức quản lý chất thải rắn, coi chất thải là tài nguyên sau khi được phân loại để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ rác thải. Muốn vậy, theo các đại biểu, cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải.

chat-thai-ran-4.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhận xét, thời gian qua, nhiều chính sách đã được ban hành liên quan thu hút, huy động xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)… Tuy vậy, kết quả thực hiện vẫn khá khiêm tốn.

Chẳng hạn, đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tính đến tháng 12.2023, hầu hết dự án PPP trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hay với quy định về tín dụng xanh trong Luật Bảo vệ môi trường, dù mức tín dụng xanh đã tăng từ 71.000 tỷ đồng năm 2015 lên 440.000 tỷ đồng vào cuối 2021, song vẫn rất khiêm tốn.

Do vậy, ông Thi cho rằng, các chính sách vẫn cần tiếp tục cụ thể hóa để đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường. Về phía nguồn lực của Nhà nước cần bảo đảm chi đúng, đủ, thực sự hiệu quả.

chat-thai-ran-6.jpg
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Còn theo Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân, để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý rác thải, chính sách phải bảo đảm dài hạn; có cơ chế khuyến khích cụ thể của từng địa phương. Đặc biệt, thực thi chính sách tại địa phương phải nghiêm túc, liêm chính, để tạo môi trường công bằng, bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp.

GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh, để xử lý rác thải, cần sự chung tay giữa nhà khoa học công nghệ, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất. Vì thế, phải tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp, cần tạo dựng cơ chế thông thoáng thì doanh nghiệp mới phát huy được vai trò của mình.

Lựa chọn công nghệ nào?


Một trong những vấn đề được các đại biểu rất quan tâm là về công nghệ xử lý rác thải. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, hiện, nước ta vẫn chưa có quy định rõ ràng về công nghệ xử lý rác, như với đốt rác cũng chưa có quy định mà tùy địa phương.

Theo GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ, thế giới đang dùng 5 nhóm công nghệ, gồm: chôn lấp, làm phân vi sinh compost, đốt, hóa khí và plasma. Đối với Việt Nam, ông Sỹ gợi ý lựa chọn công nghệ dựa trên 3 tiêu chí, gồm: bảo đảm an toàn về môi trường; bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư bởi nếu không sẽ không thể thu hút xã hội hóa; và công nghệ phải phù hợp với loại rác cần xử lý. "Song, dù công nghệ có tiên tiến mấy đi nữa, về Việt Nam vẫn phải cải tiến, làm cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Chúng ta không thể máy móc bê nguyên công nghệ đắt tiền của nước phát triển với quy trình chặt chẽ về Việt Nam, như thế là không thực tế”, ông nói.

chat-thai-ran.jpg
Quang cảnh tọa dàm. Ảnh: Duy Thông

Đồng tình, ôngNguyễn Quang Huân cho rằng, mỗi loại rác thải có công nghệ xử lý khác nhau. Vì thế, từng địa phương cần khảo sát, đánh giá về rác thải để lựa chọn công nghệ phù hợp. Hiện, thế giới có nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến song nếu bê nguyên về Việt Nam áp dụng sẽ không phù hợp vì rác thải khác nhau, nhiệt trị khác nhau... Do đó, doanh nghiệp làm chủ công nghệ cần phải sở hữu công nghệ đó, như vậy sẽ cải tiến được công nghệ cho phù hợp tình hình.

Dẫn thực tế đối với đốt rác phát điện, có tình trạng doanh nghiệp dùng dầu để đốt, tạo khí độc hại, ông Huân đề nghị, một mặt chúng ta khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung xử lý rác, mặt khác phải kiểm soát chất lượng xử lý. Nếu cứ để doanh nghiệp xử lý rác mà không kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước, không khí cũng như chất lượng rác sau xử lý sẽ rất nguy hại; do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần đưa ra tiêu chuẩn xử lý rác.

Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Đặng Đình Tùng cho biết, quan điểm của Bộ là không có một công nghệ hoàn toàn phù hợp và duy nhất và lựa chọn công nghệ xử lý rác cần hài hòa các điều kiện của địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cân nhắc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải rắn