Cần quan tâm hơn nữa tới quyền lợi giáo viên mầm non

Theo GD&TĐ|26/04/2018 02:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước thực tế đội ngũ giáo viên mầm non (GVMN) có cường độ lao động khá cao so với mức lương thực lĩnh theo ngạch viên chức. Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT cần có chính sách hỗ trợ về lương, thời gian tham gia BHXH, ưu tiên về biên chế đối với GV MN nhiều hơn.

Bộ GD&ĐT trả lời về vấn đề này:

Trước hết, đối với chính sách hỗ trợ về lương, thời gian tham gia BHXH. Bộ GD&ĐT cho biết, tại Điều 31 Luật Viên chức quy định: Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc làm việc ở vị trí làm việc nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó; người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

Theo quy định của Luật GD, trình độ được đào tạo chuẩn đối với GVMN là trung cấp sư phạm. Do vậy, thang bảng lương được xếp như công chức, viên chức có yêu cầu trình độ đào tạo là trung cấp, trong khi lao động của GVMN khá vất vả.

Để khắc phục thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số chính sách ưu đãi:

Mức phụ cấp ưu đãi đối với GVMN bằng hoặc cao hơn so với GV các cấp học khác thuộc hệ thống GDPT trên cùng địa bàn. Trong đó, ưu tiên cho GV trực tiếp giảng dạy trong các trường MN ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với mức phụ cấp cao nhất (mức phụ cấp 50%);

Căn cứ vào nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc GD trẻ của GVMN, Bộ GD&ĐT đã ban hành chế độ giảm số giờ làm việc trên lớp từ 8 giờ/ngày xuống còn 6 giờ/ngày;

GVMN hợp đồng tại trường công lập được hưởng theo thang, bảng lương như GV trong biên chế;

Tăng định mức GV/lớp: Đối với nhóm trẻ, bố trí tối đa 2,5 GV/nhóm trẻ; đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, bố trí tối đa 2,2 GV/lớp; đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày, bố trí tối đa 1,2 GV/lớp;

GVMN ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp theo chính sách của Chính phủ.

GVMN chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng được tham gia BHXH bắt buộc và được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ; GVMN đã nghỉ hưu có mức lương hưu thấp được cấp bù để lương hưu hàng tháng bằng mức lương cơ sở theo Nghị định số 55/2016/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với GV MN có thời gian làm việc trước năm 1995.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, ngày 5/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2018/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với GV MN.

Theo đó, GVMN nếu đủ tiêu chuẩn chức danh hạng IV trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương theo bảng lương quy định; Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người DTTS theo quy định;

GVMN trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người DTTS tại các điểm lẻ ở các cơ sở GDMN công lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng với thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau).

Thứ hai, đối với vấn đề biên chế, Bộ GD&ĐT nêu rõ từng nội dung:

Về ưu tiên biên chế giáo viên: Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập đã quy định định mức GV/lớp, nhóm trẻ.

Theo đó, căn cứ vào chỉ tiêu, biên chế được giao hàng năm, các địa phương cần chủ động bố trí biên chế để tuyển dụng GVMN.

Về vấn đề biên chế nấu ăn (cô nuôi): Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn đối với các cơ sở GD MN tổ chức bán trú.

Trên cơ sở đó, các cơ sở GDMN căn cứ nhu cầu, khối lượng công việc thực tế đề xuất cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định, số lượng hợp đồng lao động vị trí nấu ăn và lựa chọn hình thức hợp đồng lao động phù hợp.

Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chủ động sắp xếp, bố trí nguồn lực của địa phương để hợp đồng lao động vị trí nấu ăn cho các trường mầm non có tổ chức bán trú.

Theo GD&TĐ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần quan tâm hơn nữa tới quyền lợi giáo viên mầm non
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.