Cụ thể, mực nước tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu lúc 7 giờ là 1,98m, chỉ thấp hơn mức báo động III 0,02m. Nhiều tuyến đường nội ô thành phố như Mậu Thân, Huỳnh Cương, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, khu vực hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi… bị ngập nước, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại, kinh doanh của người dân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, triều cường sẽ tiếp tục lên cao vào ngày 14/9 và 15/9 ở mức trên 1,9m sau đó bắt đầu xuống dần. Các khu vực trũng thấp, ven sông rạch, đường giao thông có cốt nền thấp sẽ bị ngập sâu.
Khi triều lên, nếu thời tiết có mưa to, tình trạng ngập sẽ càng nghiêm trọng. Trong tháng 10 và tháng 11, triều cường sẽ tiếp tục xuất hiện vào những ngày đầu và giữa tháng với mực nước cao hơn báo động III từ 0,1-0,2m.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, đợt triều cường rằm tháng Chín Âm lịch có thể gây ngập nặng vì xuất hiện cùng thời điểm đỉnh lũ sông Mekong từ thượng nguồn đổ về.
Để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng do triều cường, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ yêu cầu thành viên của Ban, các cấp, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tổ chức theo dõi diễn biến mưa, lũ, triều cường để thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng, tránh.
Các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão xuất hiện để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn; kịp thời đề xuất với lãnh đạo chủ trương, biện pháp ứng phó với thiên tai, triều cường.
Các quận trung tâm thành phố chủ động phương án phân luồng giao thông, tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ngập sâu, tuyến đường giao thông nhằm tránh nguy hiểm cho người đi đường…