(Moitruong.net.vn) – Sau khi kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tương đối hoàn thiện, các xã tập trung vào việc bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sống ở khu vực nông thôn. Điều này được thể hiện qua việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.
Một tuyến đường giao thông nông thôn được người dân chăm chút tỉ mỉ trên địa bàn xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh
Sáng-xanh-sạch-đẹp
Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn. Tiêu chí này gồm các chỉ tiêu thành phần: tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; cơ sở sản xuất-kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, an toàn. Ngoài ra, các xã đảm bảo mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm… Bám sát các chỉ tiêu trên, thời gian qua, các xã XDNTM ở TP Cần Thơ tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn và phấn đấu sớm hoàn thành tiêu chí này.
Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: “Thực hiện Chương trình XDNTM cùng với định hướng trở thành đô thị sinh thái, Phong Điền đang nỗ lực chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường đảm bảo đáp ứng 4 tiêu chí: sáng-xanh-sạch-an toàn. Các xã thường xuyên nâng cấp, sửa chữa, phát hoang tầm nhìn; vệ sinh cảnh quan môi trường; trồng hoa kiểng, cây xanh trên các tuyến đường tỉnh lộ, liên xã, giao thông nông thôn theo hướng đô thị sinh thái. Vừa qua, huyện phát động Chiến dịch Thủy lợi – Giao thông – Môi trường cũng nhằm nâng chất tiêu chí thủy lợi, giao thông và môi trường tại các xã”. Các huyện XDNTM mới của thành phố chủ yếu là thuần nông nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rất phổ biến. Qua tuyên truyền, nhiều nông dân dần có ý thức thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước… Người dân còn phân loại rác sinh hoạt để có phương pháp xử lý phù hợp; tình trạng nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống kênh rạch cũng giảm đi đáng kể.
Theo phản ánh từ các địa phương, tiêu chí số 17 là một trong những tiêu chí khó và cần sự chung tay của cả cộng đồng mới có thể hoàn thành được. Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngay khi bắt tay vào XDNTM, Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo các xã tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và cùng tham gia. So với thời điểm trước khi XDNTM, môi trường sống trên địa bàn huyện có sự chuyển tích cực. Hiện tất cả các xã ở Vĩnh Thạnh đều đạt tiêu chí về môi trường”. Toàn huyện Vĩnh Thạnh có 94,6% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đạt tiêu chuẩn môi trường, không có hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Các hộ dân có biện pháp xử lý chất thải bằng giải pháp ủ phân compost, hầm tự hoại hoặc biogas. Chất thải rắn trong sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu xử lý rác xã Thạnh Lộc và vận chuyển về khu xử lý rác tại huyện Cờ Đỏ. Ngoài ra, toàn huyện có 100% hộ dân (27.864 hộ) sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Nâng cao nhận thức
Việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm mang lại hiệu ứng tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại các xã XDNTM của thành phố. Tuy nhiên, để đạt chuẩn tiêu chí này, các xã gặp không ít khó khăn. Nhiều địa phương phản ánh, chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định là khó nhất. Bởi đầu tư nước sạch cần nguồn kinh phí lớn và sự đồng thuận cao của người dân. Một số nơi, việc thu gom rác cũng gặp nhiều trở ngại do đường giao thông nông thôn quá hẹp, xe rác không thể đến tận nơi thu gom. Nhiều xã phản ánh, thực hiện tiêu chí số 17, ý thức người dân đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, một bộ phân cư dân nông thôn vẫn giữ tập quán, thói quen xấu trong sinh hoạt, như: vứt rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường, kênh rạch khá phổ biến và khó xử lý.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song các xã XDNTM của thành phố xác định tiếp tục phấn đấu hoàn thành, nâng chất tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Theo ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, hiện huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường TP Cần Thơ tiến hành xây dựng, nâng cấp, đấu nối nước sạch, hợp vệ sinh tại các vùng trọng yếu, khu dân cư… Ngoài ra, các xã cũng vận động người dân xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, hố xử lý rác hợp vệ sinh. Các huyện XDNTM ở TP Cần Thơ đa phần là huyện thuần nông. Do đó, việc áp dựng các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo quy trình GAP, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho hóa học… tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Đây là hướng đi phù hợp để hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; một xã nông thôn mới sáng – xanh – sạch – đẹp…
Nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành tiêu chí số 17 cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường. Do đó, theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện tiêu chí số 17 phải được thực hiện bằng nhiều hình thức. Quá trình thẩm định để công nhận huyện, xã nông thôn mới, bên cạnh các nhóm tiêu chí về hạ tầng, phát triển sản xuất thì việc cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường rất quan trọng. Mỗi địa phương cần xây dựng các mô hình điểm, kiểu mẫu như: mô hình thu gom rác; tuyến đường cảnh quan môi trường; chọn loại hoa, cây xanh đặc trưng trồng trên các tuyến giao thông nông thôn… Song song đó, mỗi xã cần phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, từng bước tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Tuệ Lâm