Ngày 16/8, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy - Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - dẫn đầu đã có buổi khảo sát và làm việc với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ về công tác phòng chống thiên tai năm 2023.
Đoàn công tác đã tới khảo sát, kiểm tra tình hình sạt lở bờ Sông Trà Nóc (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy), ông Hoàng Công Thủy đề nghị UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện, cơ quan chức năng của địa phương theo dõi sát sao diễn biến của sạt lở.
Những điểm có nguy cơ cao cần tiến hành cảnh báo, nếu cấp thiết thì cho di dời người dân đến khu vực an toàn. Mục tiêu số một là phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ghi nhận ý kiến của Cần Thơ kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai các công trình phòng, chống sạt lở khẩn cấp, có vốn đầu tư lớn, ông Hoàng Công Thủy đề nghị thành viên đoàn công tác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, kết hợp với Tổ công tác của Thủ tướng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời lưu ý thành phố tiếp tục theo dõi, tăng cường công tác quản lý, cảnh báo kịp thời nguy cơ sạt lở, tránh đối đa thiệt hại đến tài sản, tính mạng cho người dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, sông Trà Nóc có điểm đầu nối với sông Hậu, trong đó đoạn sạt lở phức tạp dài khoảng 5km, thuộc địa phận phường Trà Nóc và phường Trà An. Từ năm 2020 đến nay, bên bờ thuộc phường Trà An xuất hiện 7 điểm sạt lở làm 40 căn nhà bị sạt một phần. Còn bên bờ thuộc phường Trà Nóc, một đoạn có chiều dài khoảng 2.500m với 193 hộ dân đang sinh sống cũng xuất hiện nhiều điểm sụt lún, có nguy cơ sạt lở rất cao, không đảm bảo an toàn giao thông.
Tại buổi khảo sát khu vực sạt lở trên tuyến sông Trà Nóc (quận Bình Thủy), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hoàng Công Thủy đề nghị Cần Thơ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của sạt lở. Bên cạnh đó, những nơi nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm phải kiên quyết di dời người dân với mục tiêu số một là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo thống kê, Cần Thơ có khoảng 9.000 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, đã tiến hành di dời, tái định cư cho khoảng 3.000 trường hợp, số còn lại sẽ được tiếp tục di dời khỏi những khu vực sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở theo lộ trình từ nay đến năm 2030 để ổn định cuộc sống cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho rằng, ngân sách của TP còn nhiều khó khăn, hạn hẹp, chưa đủ vốn để đầu tư một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc.
TP Cần Thơ kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ vốn cho thành phố để thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc với tổng chiều dài 5.150m, kinh phí đầu tư khoảng 750 tỉ đồng. Trong số đó, có 3 dự án ở quận Bình Thủy và 1 dự án ở huyện Vĩnh Thạnh.