Cần Thơ đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng

Minh Trang|16/03/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ năm 2010 – 2022, Cần Thơ có 262 điểm sạt lỡ với tổng chiều dài 9.870m. Thiệt hại do sạt lở gây ra trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng và phức tạp...

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vừa được tổ chức, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố; các ngành, các cấp thường xuyên theo dõi, diễn biến tình hình thiên tai, bão, lũ để có các giải pháp chủ động phòng, chống và chỉ đạo khắc phục hậu quả kịp thời.

Năm 2022, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra bốn loại hình thiên tai gồm: sét đánh, dông lốc, sạt lở và triều cường làm một người chết, một người bị thương (do sét đánh); ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 6 tỷ đồng; mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022 giảm so với các năm trước đây. Dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn thành phố năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường ngày càng cực đoan, do đó cần chủ động ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

sat-lo-o-can-tho.jpeg
Tuyến đường giao thông nông thôn cặp sông Ô Môn ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bị sạt lở, được phủ bạt và rào chắn. Ảnh Hồng Thắm

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, các sở, ngành, quận huyện xây dựng phương án, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị và có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các cấp để điều hành, xử lý kịp thời các tình huống khi có thiên tai xảy ra; tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức cho lực lượng làm nhiệm vụ ứng cứu; tập trung giám sát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp ứng phó khô hạn, phòng tránh mưa dông, sấm sét trong mùa mưa; tổ chức kiểm tra, vận động, di dời nhà ở tại khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn…

Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Đài khí tượng Thủy văn thành phố theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời, chính xác mọi diễn biến thời tiết, thủy văn trên địa bàn thành phố, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn cấp, các ngành thông báo tình hình thiên tai, lũ bão để các ngành, các địa phương và người dân biết, chủ động ứng phó.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Cần Thơ đã ghi nhận 2 loại hình thiên tai là sạt lở bờ và triều cường. Cụ thể, sạt lở xảy ra trên tuyến sông Ô Môn thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, với chiều dài 26m, ăn sâu vào đất liền 12m, ước thiệt hại tài sản khoảng 800 triệu đồng. Điểm sạt lở thứ hai trên tuyến kênh Thạnh Đông, khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, dài 25m, ăn sâu vào đất liền 3m.

Đặc biệt, triều cường đầu tháng Giêng âm lịch lên cao 1,99m, xấp xỉ báo động III, gây ngập đô thị… Sau khi các đợt thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các sở, ban ngành thành phố, quận, huyện đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại được khẩn trương, đạt kết quả, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân.

Dự báo, những tháng sắp tới nền nhiệt độ trung bình tại Cần Thơ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,3 độ C. Các đợt nắng nóng xảy ra trong nửa cuối tháng 3 cho đến hết tháng 5. Mức độ xảy ra nắng nóng sẽ cao hơn và số ngày có nắng nóng sẽ nhiều hơn so với năm 2022. Mùa mưa 2023 tại Cần Thơ có khả năng đến muộn hơn so với năm 2022, trong nửa đầu tháng 4 sẽ có những trận mưa chuyển mùa, cần đề phòng sấm sét, lốc xoáy

Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: Từ năm 2010 – 2022, Cần Thơ có 262 điểm sạt lỡ với tổng chiều dài 9.870m; đã làm 94 căn nhà hư hại hoàn toàn, 4 người chết và 5 người bị thương. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân.

Qua số liệu tổng hợp tình hình thiệt hại do sạt lở gây ra cho thấy diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ ngày một nghiêm trọng và phức tạp. Đặc biệt là các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều... gây thiệt hại lớn về sinh mạng, gây mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, nguyên nhân gây sạt lở trên diện là do lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long đang suy giảm nghiêm trọng, so với trước năm 2012 giảm khoảng 80%. Ngoài ra việc khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch và sự biến động của mực nước gây tác động sạt lở bờ sông càng nhanh.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tại Cần Thơ đã ghi nhận 2 điểm sạt lở xảy ra trên tuyến sông Ô Môn thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, với chiều dài 26m, ăn sâu vào đất liền 12m. Điểm sạt lở thứ hai trên tuyến kênh Thạnh Đông, khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, dài 25m, ăn sâu vào đất liền 3m.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng