Khởi phát các bệnh dị ứng cơ địa
Các chuyên gia da liễu khuyên người dân cần có các biện pháp phòng tránh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm.
“Mùa lạnh các nhóm bệnh về da hay gặp nhất là chàm sữa, mề đay, chàm khô hay khô da vảy cá. Một số trường hợp người lớn nổi mề đay nặng tới mức phù nề thanh quản gây chèn ép, khó thở, phải nhập viện cấp cứu”, bác sĩ (BS) chuyên khoa da liễu Huỳnh Huy Hoàng nói.
Chàm sữa trẻ em
Bệnh về da nêu trên, nguyên nhân đều do yếu tố cơ địa. Khi gặp các thay đổi về môi trường sống, bệnh dễ khởi phát, chủ yếu xảy ra vào mùa lạnh. Bệnh chàm sữa chỉ xảy ra ở trẻ em dưới hai tuổi, bắt đầu xuất hiện khi trẻ được ba-bốn tháng tuổi.
Trẻ bị chàm sữa hai má nổi mảng đỏ, có mụn nước. Các mụn này vỡ ra, tiết dịch và đóng màng. Một khi bệnh trở nặng, phần da bị nổi chàm có mủ, tiết dịch vàng, ngứa ngáy.
Với trẻ em bị chàm sữa, khi thời tiết thay đổi, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ. Một khi bệnh phát ra, tùy tình trạng sẽ có cách điều trị khác nhau. Chủ yếu BS sẽ cho thuốc chống nhiễm trùng, hướng dẫn phụ huynh không đưa trẻ tới nơi đông đúc, không hôn hít trẻ.
Thời tiết hết lạnh bệnh sẽ tự giảm nhưng có thể tái phát nhiều lần. Trẻ bị chàm sữa, thường sẽ khỏi hẳn khi được hai tuổi.
Mề đay nặng gây khó thở, thậm chí tử vong
Trong nhóm bệnh về da mùa lạnh, mề đay là bệnh khá nguy hiểm bởi có thể trở nặng, phù nề thanh quản, chèn ép khí quản làm bệnh nhân khó thở, đối diện nguy cơ tử vong nếu không nhập viện kịp thời.
Biểu hiện của bệnh mề đay là các nốt sẩn, phù to, ngứa, nổi rải rác trên da mặt, trên người, môi sưng phù, cảm giác căng ngứa. Thông thường các triệu chứng nổi sẩn, phù nề của bệnh mề đay kéo dài từ 15 phút tới một giờ, tái phát nhiều lần.
Với những người có cơ địa hay bị bệnh mề đay, tốt nhất trời lạnh tránh ra gió, mặc ấm, đeo khẩu trang, quàng khăn. Khi mề đay nổi, chỉ chờ cho qua cơn, nếu thấy khó thở, bệnh nhân cần nhập viện ngay.
Viêm da cơ địa dễ bùng phát vào mùa lạnh.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay chàm là bệnh mạn tính thường gặp. Dấu hiệu đặc trưng là các tổn thương như khô da tay, chân, mặt, đỏ và tróc vảy. Vào mùa đông, thời tiết khô hanh, thiếu độ ẩm, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo phân tích của các bác sĩ: Mùa đông, chúng ta thường ít có cảm giác khát nước. Cơ thể không được cung cấp đủ nước khiến da bị mất nước, khô dẫn đến ngứa, khiến người bệnh hay cào gãi, gây tổn thương da. Điều này càng làm cho tình trạng viêm da nặng nề hơn. Ngoài ra, nhiều người hay sử dụng nước nóng để tắm khi trời lạnh. Nước nóng sẽ làm mất đi độ ẩm của da, khiến tình trạng viêm da cơ địa có cơ hội bùng phát.
Vảy nến là bệnh lý mạn tính và có liên quan gene di truyền. Thương tổn đặc trưng của vảy nến là mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vảy trắng, dễ tróc và thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, cùi chỏ, vùng xương cùng…
Cũng như viêm da cơ địa, người bệnh vảy nến thường bị “ám ảnh” bởi mùa đông. Do thời tiết hanh khô, độ ẩm giảm khiến cho cơ thể giảm tiết mồ hôi, các axit hữu cơ làm cho da thiếu độ nhờn vốn có tác dụng bảo vệ da. Làn da trở nên khô ráp, thiếu dưỡng, mẩn đỏ và ngứa ngáy, dễ nhiễm trùng làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh vảy nến vào thời điểm này.
Chàm khô, khô da vảy cá
Ngoài chàm sữa và nổi mề đay, chàm khô, khô da vảy cá cũng là nhóm bệnh gặp khá nhiều vào mùa lạnh.
Bị chàm khô, vùng da lòng bàn tay, bàn chân của bệnh nhân thô ráp, nứt nẻ. Tuy không ngứa nhưng bệnh đem đến cảm giác căng tức, khó chịu.
Khô da vảy cá lại thường xảy ra ở cẳng chân. Người mắc bệnh này vùng da nơi cẳng chân khô lại, đóng thành các vảy trắng (nhìn như vảy cá). Giống chàm khô, bệnh khô da vảy cá cũng không ngứa nhưng gây ảnh hưởng về thẩm mỹ.
Điều trị chàm khô, khô da vảy cá, nên bôi kem giữ ẩm, đặc biệt không được tắm lâu, tránh tắm nước quá nóng hay sử dụng sữa tắm có mùi thơm, dung dịch sát khuẩn (vì sẽ làm da khô hơn, khiến bệnh nặng thêm).
Hồng Nhung