Cảnh báo: Biển Đông có thể đón bão vào tuần tới
Dự báo khoảng từ ngày 23 đến 25/10, trên Biển Đông khả năng có một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 21-22/10, trên Biển Đông có khả năng hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể xuất hiện các xoáy thuận nhiệt đới.
Dự báo khoảng ngày 23-25/10, bão và áp thấp nhiệt đới có thể hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Trước khi đón bão/áp thấp nhiệt đới, thời tiết các vùng biển khá xấu. Ngày và đêm 19/10, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Từ ngày 19-25/10, độ cao sóng có xu hướng tăng ở hầu khắp các vùng biển. Khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) độ cao sóng dao động 3-5m. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển Trung và Nam Trung Bộ độ cao sóng phổ biến trong khoảng 2-4m, các khu vực khác độ cao sóng dao động nhỏ hơn 2,0m.
Ngoài ra, từ đêm 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu lệch đông nên vùng biển phía đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m, biển động. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cũng từ nay đến 22/10, mực nước triều ven biển phía Đông Nam Bộ duy trì ở mức cao. Triều cường xuất hiện trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều tối, làm tăng nguy cơ ngập úng tại các khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông và vùng ngoài đê bao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 11/2024 - 1/2025, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Thời gian này, bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, cần đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông với diễn biến nhanh, khó lường và khả năng cao tác động đến khu vực đất liền.