Cảnh báo dịch bệnh hại lúa do thời tiết

Ngọc Linh (th)|04/09/2017 03:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Với thời tiết mưa nắng thất thường tạo cơ hội cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Trước tình hình đó nhiều địa phương liên tiếp khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, chăm sóc lúa.

Cảnh báo dịch bệnh hại lúa do thời tiết

Ghi nhận của Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, rầy nâu: có đợt rầy cám nở rộ với mật số phổ biến ở mức nhẹ – trung bình, cục bộ sẽ có diện tích nhiễm với mật số cao đến rất cao trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ, do trước đó bị nhiễm rầy di trú hoặc rầy tích lũy mật số từ đầu vụ. Diện tích nhiễm 961 ha trên lúa giai đoạn làm đòng – trỗ chín, trong đó nhiễm trung bình 60 ha với mật số rầy 1.500 – 3.000 con/m2, còn lại nhiễm nhẹ, phổ biến tuổi 3 – 5 và trưởng thành.

Sâu cuốn lá diện tích nhiễm 747,6 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ, trong đó nhiễm nặng 0,6 ha với mật số sâu 30 – 40 con/m2, còn lại nhiễm nhẹ.

Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm 4.663 ha, trong đó nhiễm nặng 3 ha với tỷ lệ bệnh >20 – 50%, nhiễm trung bình 102 ha, còn lại nhiễm nhẹ.

Bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm 943 ha, trong đó nhiễm nặng 15 ha với tỷ lệ bệnh 40 – 50%, nhiễm trung bình 65 ha, còn lại nhiễm nhẹ.

Bệnh vàng lùn – lùn xoắn là (VL-LXL) diện tích nhiễm 2.057 ha, trong đó nhiễm nặng 287 ha (Tân Hồng và Tháp Mười) với tỷ lệ bệnh >30 – 60%, nhiễm trung bình 728 ha, còn lại nhiễm nhẹ.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng,  trà lúa Hè Thu chính vụ đang ở giai đoạn trổ chín đến thu hoạch, diện tích lúa nhiễm sâu bệnh trong tháng 8 tăng so với tháng trước. Một số đối tượng sâu bệnh gây hại chính gồm: rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá…

Diện tích nhiễm bệnh rầy nâu trên địa bàn hiện nay gần 3.180 ha, mật số phổ biến 750 – 1.500 con/m2. Tuy diện tích nhiễm bệnh rầy nâu trong tuần (23/8 – 30/8/2017) đã giảm 322 ha so với tuần trước song theo dự báo của ngành nông nghiệp, từ ngày 5/9 – 15/9/2017 sẽ có đợt rầy nâu di trú, khả năng di trú qua các trà lúa Thu Đông – Mùa.

Theo kết quả điều tra thực tế ngoài đồng, rầy nâu đang phổ biến tuổi 3 đến 5, có hiện tượng gối lứa và có khả năng gây cháy rầy cục bộ nếu không được phòng trừ kịp thời. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đề nghị các Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật 11 huyện, thị xã, thành phố và bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu ngoài đồng để có biện pháp quản lý kịp thời.

Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An cũng liên tiếp phát đi cảnh báo các loại bệnh rầy nâu, đạo ôn, đạo ôn cổ bông, vàng lun, lún xoắn lá.

Trước tình trạng đó, các tỉnh khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm vết bệnh để phòng trừ.

Bên cạnh đó, người dân nên tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc cho lúa, gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng – nồng độ, đúng lúc, đúng cách. Cần lưu ý một số đối tượng khác như sâu cuốn lá, thối thân vi khuẩn, đốm vằn.

Ngọc Linh (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo dịch bệnh hại lúa do thời tiết