Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ do đốt rơm rạ

Minh Anh|11/08/2020 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngoài nguy cơ cháy lan, ô nhiễm mỗi trường, khói của việc đốt rơm rạ còn gây che khuất tầm nhìn và gây ra tai nạn giao thông.

Khi những cơn nắng nóng gay gắt mùa hè xuất hiện cũng chính là lúc vào mùa thu hoạch lúa của bà con nông dân. Sau khi thu hoạch, một lượng rơm rạ lớn được người dân chất đống và phơi khô tại ruộng hoặc hai bên đường. Do không có chỗ để cũng như tiết kiệm thời gian, công sức xử lý rác thải nên hầu hết người dân đã đốt rơm rạ ngay tại nơi mình phơi, điều đó đã gây ra không ít rủi ro.

Ảnh minh họa

Tình trạng cháy lan do đốt rơm rạ gây ra dưới nhiệt độ nắng nóng của mùa hè tương đối nhiều. Khói bụi từ việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường. Mặt khác, khói đốt rơm rạ gây cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng như ảnh hưởng tới kết cấu đường.

Việc đốt rơm rạ, cỏ rác sau vụ thu hoạch của người dân cần có những biện pháp để giảm thiểu và xử lý kịp thời. Nếu vẫn tiếp tục đốt rơm rạ một cách bừa bãi, tùy tiện và tràn lan như hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt vào mùa khô hanh.

Để hạn chế tối đa hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch của bà con nông dân, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng những tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe, tính mạng và tài sản của con người. Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến cho bà con nông dân các giải pháp phơi thóc, rơm phù hợp để người nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm, góp phần giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường giao thông trong mỗi mùa thu hoạch hàng năm; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe. Trong đó, chú trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định về PCCC với phương châm “phòng là chính”.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp, hướng sử dụng, tận dụng để rơm rạ sẽ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác. Được biết, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã áp dụng thành công phương pháp sản xuất phân bón từ rơm rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Đây là cách mà bà con nông dân dễ dàng thực hiện ngay trên chính đồng ruộng của mình. Sau vụ gặt thu gom rơm rạ vào một góc ruộng; hòa chế phẩm vi sinh (Viện Công nghệ sinh học cung cấp) cùng với nước và phân NPK tưới lên đống rơm rạ, che phủ bằng nilon trát bùn kín. Sau 3 tuần, rơm rạ mủn trở thành loại phân bón rất tốt cho cây trồng, đồng thời tăng độ phì nhiêu cho đất.

Minh Anh 

Bài liên quan
  • Dừng thanh tra hàng loạt dự án bất động sản
    Moitruong.net.vn – Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) vừa quyết định hủy thanh tra hàng loạt dự án bất động sản tại nhiều địa phương đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ do đốt rơm rạ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.