Cảnh giác với bệnh viêm đường hô hấp khi trời chuyển lạnh

Hà An|29/10/2021 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mùa đông khí hậu lạnh, độ ẩm cao cơ thể rất dễ bị nhiễm bệnh nhất là những bệnh lên quan đến đường hô hấp trên như: viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, VA, viêm các xoang…

Bệnh của thời tiết

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên trong đó thời điểm giao mùa, mùa đông lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp,… khiến sức đề kháng cơ thể kém là nguyên nhân chính khiến bệnh khởi phát.

Cụ thể, các căn nguyên sau: dị ứng với thời tiết, các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, bụi… hoặc tác động của hóa chất (khói thuốc lá – hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra).

Ảnh minh họa

Mặt khác, khi cơ thể sức đề kháng yếu khiến cho các virut, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng là nguyên nhân chủ yếu dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết

Viêm đường hô hấp trên là biểu hiện của nhiều bệnh bao gồm cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Với các triệu chứng chủ yếu: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…Tuy nhiêm, với đặc điểm của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, biểu hiện của bệnh nhanh và mang tính ồ ạt kèm theo là sốt cao và thành cơn (thường là 39oC trở lên); hắt hơi, sổ mũi xuất hiện nhiều lần trong ngày kèm theo rát mũi, đau họng. Người bệnh chảy nhiều nước mũi trong, loãng, không có mùi hôi.

Nếu virus gây bệnh ở thanh quản thì người bệnh có biểu hiện khàn tiếng. Khởi phát của bệnh chỉ là khản tiếng, giọng mũi, sau đó tiếng bị khàn đục và nếu không được điều trị hoặc có những tác động như nói nhiều, hét to… dễ dẫn đến mất tiếng.

Tuy nhiên, mỗi cơ quan bị bệnh sẽ có những dấu hiệu điển hình và đặc thù khác nhau.

Viêm đường hô hấp trên cấp tính thường xảy ra khi gặp một số yếu tố thuận lợi tác động vào cơ thể như thay đổi thời tiết đột ngột với triệu chứng khởi phát là đột ngột sốt có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao và rét run kèm theo là các triệu chứng ho, người bệnh có thể ho húng hắng hoặc ho liên tục, hắt hơi và chảy nước mũi. Tại họng, người bệnh có triệu chứng đau khi nuốt nước bọt, khi ăn. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng thì rất dễ dàng chuyển thành mạn tính.

Viêm đường hô hấp trên mạn tính với biểu hiện là ho húng hắng, rát họng, thấy vướng khi nuốt (như có vật gì nằm trong họng), chảy nước mũi thường xuyên. Nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi… ở những trường hợp bị viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu… Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh thường gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài chảy nước mũi, khi ngủ trẻ thường thở bằng miệng.

Khuyến cáo của thầy thuốc

Để phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa, không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Nên tắm nước ấm cho trẻ trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người và mặc quần áo thật nhanh. Bên cạnh đó, ngoài các loại vaccine thông thường bắt buộc phải tiêm cho trẻ, có một số loại vaccine mà các bậc cha mẹ nên bổ sung thêm cho trẻ để ngăn ngừa bệnh hô hấp như: Vaccine phòng cúm, mỗi năm tiêm 1 lần, nên tiêm trước khi vào mùa lạnh khoảng 1 tháng để khi vào mùa lạnh vaccine có tác dụng phòng bệnh…

Đối với người cao tuổi để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, người cao tuổi cần bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào để tránh khởi phát cơn hen suyễn cấp; mặc đủ ấm, hạn chế gió lùa vào phòng ngủ, nên hạn chế ra ngoài vào lúc sáng sớm, nếu bắt buộc phải ra ngoài thì cần giữ ấm cơ thể. Mùa lạnh, nếu muốn tập thể dục ngoài trời, nên chờ khi có nắng mới ra đường. Người cao tuổi cần chú ý vệ sinh cá nhân, giữ đường hô hấp sạch sẽ, làm sạch mũi mỗi ngày; đeo khẩu trang khi ra đường; tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp than, khói hương… để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.

Hà An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với bệnh viêm đường hô hấp khi trời chuyển lạnh