Câu chuyện từ người Trưởng tàu Bắc Nam: Mười sáu năm 2 lần ăn Tết cùng gia đình

Nguyễn Nga|12/11/2018 02:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tình cờ từ một chuyến công tác chúng tôi đã có dịp gặp giỡ, tiếp xúc và trò chuyện với trưởng tàu Nguyễn Xuân Linh trên chuyến tàu SE4 từ Sài Gòn ra Hà Nội. Qua trò chuyện, anh Linh thể hiện mình là một người thẳng thắn, luôn hết mình vì quyền lợi của của hành khách đi tàu và của anh em người lao động. Từ anh, chúng tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về sự đổi thay từ những chuyến tàu 20 năm về trước cho tới bây giờ.

>>>Hà Tĩnh: hơn 300 bẫy thú rừng giăng khắp núi Hồng Lĩnh

>>>Brazil: Sạt lở đất làm 10 người chết và 4 người bị thương

Ban Biên Tập Môi trường và Cuộc sống cùng Đồng chí Nguyễn Xuân Linh (thứ 2 từ trái sang) – Trưởng tàu SE3/4, thuộc đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn.

Sự đổi thay của con tàu Thống Nhất Bắc – Nam

Trong chuyến công tác về tỉnh Nghệ An để tổ chức Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” – Chủ đề “Hạn hán và xâm nhập mặn” tại trường Đại học Vinh, đoàn công tác của Tạp chí Môi trường và cuộc sống đã có dịp trải nghiệm trên chuyến tàu chất lượng cao, gặp gỡ và trò chuyện với đồng chí Nguyễn Xuân Linh – Trưởng tàu SE4 và cán bộ nhân viên phục vụ trên chuyến tàu thuộc đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn.

Đối với mỗi người Việt Nam, tàu Thống Nhất từ lâu đã được coi là chuyến tàu yêu dấu mang đầy ý nghĩa. Không chỉ nối liền dải đất Bắc Nam, đoàn tàu ấy còn nối cả trời thương nhớ Hà Nội – Sài Gòn, nối trọn vẹn tình yêu hai miền Nam – Bắc. Được một lần “ngồi” hoặc nằm mà thưởng thức trọn vẹn cung ray hơn một ngàn bảy trăm cây số ấy là cái thú khó cưỡng cho những người muốn trải nghiệm và sống chậm rãi lại.

Đoàn công tác của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tuy không được hưởng trọn cung đường 1730 km ấy nhưng cũng có cơ hội trải nghiệm một quãng đường đủ dài để hiểu thêm, biết hơn về những con người phục vụ trên chuyến tàu chất lượng cao. Đủ để lưu giữ những cảm xúc diệu kỳ của chuyến tàu đêm từ ga Vinh trở về ga Hà Nội.

Nếu đã lâu không di chuyển trên thứ phương tiện cũ kỹ vào bậc nhất trong lịch sử đường bộ đương đại sẽ thực sự thấy ngỡ ngàng. Bởi so với cách đây chỉ chừng 10-15 năm, những buồng, những khoang, ghế và giường hay thậm chí đến cả “khu vệ sinh” vốn là nỗi ám ảnh của hành khách ngày nào thì giờ đã như chốn “thiên đường”.

Toa xe khi ở những chặng ray đầu thơm phức và gọn gàng như những căn homestay hướng sáng nho nhỏ của những vùng ven thành thị. Ga giường trắng tinh được trải phẳng phiu, tấm rèm cửa được vén cao, đón ánh đèn vàng hiu hắt. Khách lên tàu từng đoàn, khẽ khàng trao đổi vài câu như sợ lỡ to tiếng sẽ phá đi không gian tàu đêm đang triền miên tĩnh lặng.

Ấn tượng nhất với chúng tôi là tận mắt chứng kiến về sự thay đổi chất lượng của con tàu Thống Nhất Bắc Nam: Hệ thống toa xe thế hệ mới, được chế tạo bằng vật liệu cao cấp. Đoàn tàu SE4 có 4 toa xe ghế mềm với 56 ghế mỗi toa. Các toa giường nằm được bố trí đèn đọc sách tích hợp sạc điện thoại bằng cổng USB. Toa xe căng tin được đặt ở giữa đoàn tàu để dễ dàng phục vụ hành khách từ hai đầu. Thực phẩm đưa lên tàu được kiểm tra và đảm bảo an toàn vệ sinh. Bếp ăn trên tàu được đầu tư hiện đại và có thể triển khai suất ăn với tiêu chuẩn của ngành hàng không để phục vụ hành khách. Không chỉ nâng cấp về nội thất, vỏ tàu cũng được cách âm tốt hơn để chống ồn, hệ thống trục và giảm xóc toa xe cũng được cải thiện để hạn chế rung lắc trên các cung đường. Đặc biệt điều ám ảnh với mỗi hành khách khi lên tàu là nhà vệ sinh xập xệ, mùi hôi nồng nặc không còn nữa. Thay vào đó là buồng vệ sinh có điều hòa không khí, thiết bị vệ sinh tự hoại theo nguyên lý hoạt động của hệ thống Microphor của Mỹ, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Hệ thống đảm bảo an toàn cho hành khách và vệ sinh môi trường trên tàu cũng được cả đoàn chú trọng.

Thiết bị vệ sinh tự hoại theo nguyên lý hoạt động của hệ thống Microphor của Mỹ

16 năm, 2 lần được ăn Tết bên gia đình

Sinh năm 1981, sau khi học xong phổ thông, Nguyễn Xuân Linh thi đỗ vào Trường Cao Đẳng Giao Thông (nay là Học viện Công nghệ Giao thông Vận tải) – Khoa Vận tải đường sắt. Từ năm 2002 đến nay, Nguyễn Xuân Linh đã qua các chức danh từ nhân viên bán vé, đến nhân viên phục vụ trên tàu rồi lên đến trưởng tàu, ở cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Xuân Linh quê ở Phủ Lý, Hà Nam, sinh trưởng trong một gia đình có mẹ là giáo viên, bố làm lái xe, họ hàng không ai theo nghề đường sắt. Nhưng chỉ vì “mê” rồi “nghiện” tiếng tàu chạy sình sịch mỗi khi qua đường sắt gần nhà, mà anh Linh đã chọn cuộc đời mình gắn liền với “nghiệp đường ray”.

Kể về cái “nghiệp đường ray” của mình, anh Linh chia sẻ: “Để nói về công việc thì tôi chỉ có thể nói một câu đó là nghề chọn mình. Đến với những chuyến tàu rong ruổi Bắc Nam là vì tôi đam mê, nhưng cũng rất may là nghề không “phũ” với tôi mà giang tay đón nhận. Khoảng thời gian đầu theo nghề tôi cũng khó khăn, vừa ra trường tôi có duyên vào trong Sài Gòn làm việc tại đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam, thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn. Số tiền lương đầu tiên tôi đã dành dụm mua trả cho mẹ tôi cái xe đạp mini Nhật mà ngày xưa mẹ đã từng mua cho tôi đi học. Đó là kỷ niệm nhớ nhất đời tôi về quãng thời gian đầu tiên theo nghề. Cho đến bây giờ đã tròn 16 năm tôi theo “nghiệp đường ray”, nhưng chỉ có đúng 2 lần được đón giao thừa bên gia đình. Còn lại đều đón Tết trên tàu hoặc nơi đất khách…”

Cũng theo Trưởng tàu Linh, nếu ngày xưa mỗi chuyến tàu Bắc Nam qua 48 giờ mới đến được điểm cuối thì hiện tại chỉ sau hơn 30 giờ là hai đầu Bắc Nam có thể gặp nhau. Đó là một sự thay đổi rất tích cực mà hành khách và nhân viên trên tàu đều rất thích.

Trò chuyện với anh trên chuyến tàu SE4 từ Sài Gòn ra Hà Nội, anh Linh cho biết: “Tôi vẫn thường căn dặn anh chị em trong tổ, lấy chất lượng phục vụ làm tiêu chí hàng đầu. Tuy là Trưởng tàu thật nhưng nhiều khi tôi quên mất điều đó, có việc gì thì mình cũng luôn sát cánh cùng anh chị em trong tổ để hoàn thành nhiệm vụ “làm dâu trăm họ” trên những chuyến tàu dong duổi Nam Bắc.”

Anh Linh kể: Nhiều đêm, khi hành khách đã yên giấc, anh vẫn thường xuyên đi lại dọc đoàn tàu để xem anh chị em nhân viên hay hành khách có khó khăn gì cần giúp đỡ. Có nhiều chuyến tàu, đêm đêm anh không thể chợp mắt vì trên vai anh là trách nhiệm của trưởng tàu, là sự an toàn của bao nhiêu hành khách và nhân viên.

Chẳng thế mà, có những ngày Sài Gòn mưa hay ngập nước vì triều cường, để đảm bảo đúng giờ chạy là 19 giờ 45 phút từ ga Sài Gòn ra Hà Nội, anh Linh chạy xe từ nhà (Dĩ An, Bình Dương) từ 15 giờ. Anh lý giải cho việc đi sớm của mình vì sợ đường phố Sài Gòn kẹt xe, thêm nữa triều cường lên lại càng khó đi. Thà mình đến sớm một chút còn hơn là  đi muộn thì chỉ nhìn thấy đuôi tàu chạy mà thôi.

Nếu có dịp đi tàu Thống Nhất, gặp tổ tàu SE4 do Trưởng tàu Nguyễn Xuân Linh phụ trách, chắc hẳn nhiều hành khách sẽ ấn tượng về phong cách phục vụ của tổ tàu chất lượng cao này.

Nguyễn Nga

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện từ người Trưởng tàu Bắc Nam: Mười sáu năm 2 lần ăn Tết cùng gia đình