Mọc tràn lan
Hiện cây mai dương có tốc độ phát triển chóng mặt tại các bãi đất trống ven sông, suối, bên lề đường, bờ ruộng, kênh mương, đất ven rừng và cả khu dân cư…
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy diện tích đất ở ĐBSCL bị cây mai dương xâm lấn lên đến 6.000 ha, cây sinh sôi nảy nở tràn lan với mật độ dày đặc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cây mai dương thường mọc trải dài theo bờ các con sông rạch, khu công nghiệp bỏ hoang, đất nông nghiệp… Ở Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, loài cây này có mặt khắp nơi. Đặc biệt, ở một số khu rừng miền Tây, cây mai dương đang phát triển dữ dội. Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim (H.Tam Nông, Đồng Tháp) phải hết sức khổ sở để chống chọi trước mức độ lây lan của loài cây được đặt ở ngưỡng báo động này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết: “Vào khoảng những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, diện tích rừng bị cây mai dương xâm lấn chỉ khoảng 10 ha, nay đã lên đến hơn 2.000 ha (25% diện tích rừng), trong đó vài trăm héc ta cây mọc dày đặc”.
Hạt cây mai dương có thể giữ sức nảy mầm trên 20 năm
Ảnh hưởng nghiêm trọng hệ thực vật
“Mặc dù lực lượng của Vườn quốc gia Tràm Chim thường xuyên ra quân chặt cây, đốt, cắt trái… nhưng cây mai dương vẫn tiếp tục phát triển nhanh, lấn át các loài thực vật bản địa. Kể cả cỏ trời, bãi năn của sếu cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ xâm hại đến diện tích rừng tràm, loài cây này còn đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của nhiều loài chim, bò sát… Từ đó, phá vỡ đa dạng sinh học của Vườn quốc gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, sinh kế của người dân”, ông Hùng lo lắng.
Các nhà khoa học đánh giá mai dương là loài cây nguy hại. Nếu không sớm tiêu diệt thì chỉ trong thời gian ngắn, Vườn quốc gia Tràm Chim có nguy cơ mất các loài động, thực vật quý hiếm. Hiện nay, mai dương không chỉ gây hại với Vườn quốc gia Tràm Chim mà đang là mối đe dọa đến đời sống của một số loài động, thực vật của vùng đồng bằng Nam bộ, Đông Nam bộ…
Đây là loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, ẩm ướt, có khả năng mọc nhanh sau khi bị chặt hạ. Cây có thể cao đến 6m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn, khi tươi rất giòn nhưng khi khô lại rất dai và cứng, khó đốt cháy. Khu vực bị cây này xâm lấn thì rất ít cây cỏ khác có thể cạnh tranh.
Cây mọc hoang dại lấn chiếm đất canh tác, cản trở việc đi lại trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy, ảnh hưởng đến SX nông nghiệp, gây sát thương cho người và gia súc. Sự xâm lấn của cây mai dương đang trở thành mối nguy hại đối với những vùng đất màu ven sông, suối, lề đường, trên đồi, mà chúng mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt, sâu bọ không ăn được, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần.
Bên cạnh đó, cây mai dương còn làm cho đất nghèo dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật do cây chứa chất mimosin (loại acid amin có thể gây độc với nhiều loại thực vật). Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…
Được biết, mai dương là loại cây dại, có sức sống mãnh liệt, phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt có khả năng tái sinh bằng thân và gốc là rất lớn. Nếu người dân chặt cây mẹ đốt thì từ gốc của cây mẹ sẽ tái sinh 4- 5 chồi non, hạt nếu bị đốt sẽ nẩy mầm với mật độ từ 15-120 cây/m2.
Cây mai dương có khả năng xâm lấn mãnh liệt, đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và tốc độ 1cm/ngày, có thể ra hoa đậu quả sau 6 tháng. Trung bình 1 năm, 1 cây mai dương ra hoa 12 lần, mỗi lần sản sinh từ 6.000- 9.000 hạt với cấp số nhân, tỷ lệ nảy mầm rất cao.
Hạt của cây mai dương có lớp lông để bám có thể nổi trên mặt nước, dễ lan ra trên diện tích rộng trong mùa mưa lũ, đặc biệt hạt nếu luộc sôi, hoặc đốt vẫn có thể nảy mầm, trong khoảng 20 năm vẫn mọc cây. Với những đặc tính gây hại như vậy, từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết: “Giải pháp hữu hiệu nhất là tiêu diệt chúng ngay từ nhỏ bằng cách nhổ cả cây con. Các địa phương cần tổ chức đội ngũ chuyên môn để phổ biến rộng rãi cho cộng đồng biết về tác hại nguy hiểm của loại cây này”. Theo Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học; trong đó biện pháp sinh học đã được tiến hành ở Úc, Thái Lan… như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây, nhưng đến nay, ở nước ta chưa được áp dụng. Còn theo nghiên cứu của Vườn quốc gia Tràm Chim, có 5 loại hóa chất diệt cây mai dương thích hợp theo từng chu kỳ sinh trưởng gồm: Glyphosate, Truyclopyr, Paraquat, Metsulfuronmethyl và 2,4D.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, hạt của cây mai dương rơi xuống, theo nước trôi tới đâu sẽ mọc cây tới đó. Do vậy, cần phải tiêu diệt chúng trước mùa mưa để hạn chế sự nảy mầm, sinh sôi. Cần thiết có thể sử dụng hóa chất với nồng độ cho phép. Nếu không có giải pháp căn cơ, tiêu diệt kịp thời thì kinh phí Nhà nước bỏ ra để diệt trừ loại cây này về sau là rất lớn.
Tú Anh (T/h)