“Cha đẻ” của nhiều giống lúa-AHLĐ, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời

Lan Hạ|19/08/2024 15:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon ở vựa lúa lớn nhất cả nước, đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đời sáng nay.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon ở vựa lúa lớn nhất cả nước, đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đời sáng nay, hưởng thọ 84 tuổi.

Theo thông tin từ Trường Đại học Nam Cần Thơ, Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự của trường đã qua đời sáng nay (19/8), sau thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 84 tuổi.

Giáo sư Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, một người thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước trong nhiều thập niên qua và là “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon ở vựa lúa lớn nhất cả nước, đồng bằng sông Cửu Long. Ông sinh năm 1940, tại tỉnh An Giang.

Năm 1961, ông được học bổng du học tại trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos và là một du học sinh xuất sắc trong học tập. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).

Năm 1971, ông về Việt Nam với mong muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà theo lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ với lời nhắn gửi “đất nước rất cần những người như anh”.

Cuối năm 1974, ông sang Nhật Bản và bảo vệ luận án tiến sỹ sau 1 năm, 1975.

Ông là nhà sư phạm tài năng và là nhà nghiên cứu tâm huyết, luôn trăn trở với việc tìm ra giải pháp nâng cao cuộc sống người nông dân.

Ông đã biên soạn nhiều giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980-1985, khi đất nước còn nhiều khó khăn, ông đưa ra giống lúa như: Thần Nông, IR36, IR33, IR64, MTL30 phổ biến khắp các tỉnh miền Tây.

Chính phủ Nhật Bản trao Huân chương tặng Giáo sư Võ Tòng Xuân

Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp trao tặng “Huân chương Mặt Trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” của Chính phủ Nhật Bản cho Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Không chỉ nổi tiếng trong nước mà các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi...

Ông được phong Giáo sư Nông học năm 1980, Anh hùng Lao động năm 1985 và là đại biểu Quốc hội các khóa 2, 3, 4.

Giáo sư Võ Tòng Xuân giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ từ năm 1982-1997. Từ tháng 12/1999 đến tháng 11/2007, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang. Từ năm 2010 đến tháng 10/2013, ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo.

Ông từng là ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam trong vòng 10 năm, từ 1996-2006.

Tháng 10/2013, ông là thành viên Hội đồng sáng lập và sau đó giữ chức quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, sau đó là Hiệu trưởng danh dự của trường này.

Ngày 13/4/2022, tại thành phố Cần Thơ, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Lễ trao tặng “Huân chương Mặt Trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” (The Order of the Rising Sun, Gold Rays with Neck Ribbon) của Chính phủ Nhật Bản cho Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Huân chương được trao cho những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: quan hệ quốc tế, phát triển văn hóa Nhật Bản, những tiến bộ trong lĩnh vực của người được trao tặng, phát triển phúc lợi xã hội hoặc giữ gìn môi trường.

Giáo sư Võ Tòng Xuân là người đã đóng góp cho sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định trao tặng Huân chương cao quý này cho ông.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu gạo trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng thế giới. Chính vì lý do đó, ông được bạn bè quốc tế yêu mến đặt là “Dr. Rice” (Tiến sỹ Lúa gạo). Thành tích nghiên cứu lúa gạo của Giáo sư Võ Tòng Xuân không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn lan rộng ở Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
“Cha đẻ” của nhiều giống lúa-AHLĐ, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời