Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết sẽ ít mưa, mùa mưa khả năng kết thúc sớm, kéo theo tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra nghiêm trọng vào giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024. Để chủ động ứng phó với hiện tượng này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch xuống giống vụ lúa Đông - Xuân (2023 - 2024) triển khai đến các địa phương và nông dân trên địa bàn tỉnh, để chủ động xuống giống sớm, nhằm ứng phó hạn, mặn, tránh thiệt hại trong mùa vụ canh tác lúa.
Chuẩn bị cho vụ lúa Đông - Xuân (2023 - 2024), khi nghe thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có thể tái diễn, ông Sơn Sà Then, Khóm 3, Phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã tranh thủ xuống giống lúa theo đúng khuyến cáo của địa phương. Ông Sà Then bộc bạch: “Tôi có 15ha đất trồng lúa, canh tác 2 vụ/năm. Vụ lúa Đông - Xuân năm nay, tôi xuống giống sớm hơn so cùng kỳ năm trước tầm 20 ngày. Giờ tôi thấy thời tiết khá thuận lợi, lúa ít bị dịch bệnh nên chi phí đầu tư không nhiều, giá lúa cao chắc chắn thu lợi cao. Tôi nhận thấy, việc canh tác lúa theo khuyến cáo của ngành chuyên môn đã giúp mùa vụ lúa thuận lợi, tránh được các rủi ro về thời tiết”.
Nhiều nông dân cũng chọn phương án xuống giống sớm để tránh rủi ro và nếu như thuận lợi sẽ trúng mùa, trúng giá (giá lúa trước Tết khả năng sẽ cao hơn giá lúa sau Tết). Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin: “Tính đến nay, toàn huyện đã xuống giống dứt điểm lúa Đông - Xuân (2023 - 2024), với diện tích hơn 22.400ha, trong đó lúa thơm, lúa đặc sản chiếm trên 95% diện tích. Hiện tại, diện tích lúa Đông - Xuân tại các địa phương trên địa bàn huyện phát triển rất tốt, nhờ xuống giống theo đúng tiến độ và kế hoạch của đơn vị, địa phương khuyến cáo. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện các loại sâu bệnh, dịch hại tấn công trên lúa, phòng trị kịp thời và trong quá trình canh tác lúa cần áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật như: tưới ngập khô xen kẽ, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng””.
Còn tại huyện Châu Thành, nông dân đã xuống giống lúa Đông - Xuân (2023 - 2024) theo đúng tiến độ và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai. “Để đảm bảo mùa vụ lúa đạt năng suất, đặc biệt là không bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, đơn vị khuyến cáo nông dân hạn chế xuống giống vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2024, nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn xảy ra”, đồng chí Nguyễn Văn Hận - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết.
Ông Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết, nhiều địa phương đã xuống giống theo đúng kế hoạch ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, đặc biệt các huyện: Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên, một phần huyện Châu Thành và thành phố Sóc Trăng nằm trong vùng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn đã xuống giống dứt điểm trong tháng 10 và giữa tháng 11. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cũng đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước và tăng cường dự báo tình hình xâm nhập mặn để thông tin đến nông dân được biết cũng như có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tăng cường nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao để chống rò rỉ và tích trữ nước ngọt. Chú ý diễn biến tình hình rầy nâu trên đồng ruộng và theo dõi bẫy đèn ở địa phương khuyến cáo đến nông dân. Trong vụ lúa Đông - Xuân, nhằm giảm chi phí đầu vào, nông dân nên sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân lân nung chảy, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật và chỉ tiến hành phòng trừ dịch hại khi đến ngưỡng phòng trừ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.