Vụ lúa đông xuân trúng mùa được giá, người dân vui mừng

Minh Khuê|20/02/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời điểm này, lúa vụ đông xuân 2022-2023 tại Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An,.. đã bước vào thu hoạch. Nông dân có lúa đông xuân sớm phấn khởi khi lúa trúng mùa, bán được giá cao.

Tại tỉnh Long An, theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng cho biết, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện thu hoạch được trên 700/28.584ha lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023, tập trung ở các xã Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Trị và Thái Bình Trung. Mặc dù giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi nên hạn chế được sâu, bệnh gây hại. Số diện tích thu hoạch đạt năng suất từ 6,3 - 6,7 tấn/ha (lúa tươi), ngoài ra có một số diện tích năng suất 7 - 8 tấn/ha, giá lúa tiêu thụ tại chỗ ổn định từ 6.800 - 7.300 đồng/kg, tùy từng loại giống. So với vụ Đông Xuân trước, giá lúa tăng khoảng 1.000 đồng/kg.

Không riêng gì nông dân ở huyện Vĩnh Hưng, hàng ngàn ha lúa Đông Xuân tại huyện Tân Hưng đã cho thu hoạch, năng suất cao, giá bán ổn định, thu lợi nhuận cao, nông dân rất phấn khởi. Anh Nguyễn Hoàng Vũ Anh (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) vừa mới cho thu hoạch 5ha nếp, với giá bán 6.800 đồng/kg, năng suất 6,5 tấn/ha, với diện tích này anh thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được trên 9.000/36.729ha lúa Đông Xuân 2022 - 2023, năng suất từ 6,5-7 tấn/ha (lúa tươi), giá bán dao động từ 6.400 - 7.200 đồng/kg tùy từng loại giống.

Hiện hầu hết số diện tích lúa đông xuân còn lại ở khu vực vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh trong giai đoạn đòng trổ và chín, nông dân tích cực chăm sóc.

vu-lua.jpg
Nông dân tỉnh Long An thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 - 2023

Vụ mùa này, Tiền Giang xuống giống hơn 48.000ha. Đến nay, trà lúa làm đòng khoảng 1.700ha, trổ gần 8.700ha, chín 23.700ha, đã thu hoạch 14.000ha; năng suất 7,1 tấn/ha (lúa khô), sản lượng gần 100.000 tấn.

Những ngày này, không khí thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sôi động hẳn lên. Máy gặt đập liên hợp hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trên bờ, thương lái túc trực chờ mua lúa cho nông dân. Bà con vui mừng vì lúa được mùa, được giá.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thời gian qua, địa phương xây dựng và nhân rộng gần 9.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân trồng lúa áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Sản xuất lúa giống chất lượng cao, ứng dụng mạ khay-máy cấy trong sản xuất lúa, sản xuất lúa đạt chứng nhận GlobalGAP, tiết kiệm phân bón; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sạ thưa, phân bón chậm tan, quản lý sâu bệnh bằng biện pháp IPM, triển khai mô hình trình diễn “Ứng dụng máy cấy/sạ kết hợp vùi phân bón ứng dụng công nghệ cao”,…

Giá lúa gạo tăng không chỉ do nhu cầu thị trường xuất khẩu khởi sắc mà nông dân ngày càng chú trọng việc trồng các giống lúa chất lượng cao, giống lúa cao sản; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, năng suất tăng lên, chi phí giảm, lợi nhuận cao và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo nhiều nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ, không chỉ lúa bán được giá cao mà tiêu thụ lúa của nhà nông cũng khá thuận lợi do có nhiều tiểu thương, doanh nghiệp tham gia thu mua lúa của nông dân. Đặc biệt, ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, nhiều thương lái đã tìm đến tận nhà nông dân để thông báo giá và thỏa thuận đặt tiền cọc thu mua lúa. Lúa khi đến thu hoạch được thương lái và doanh nghiệp thu mua rất nhanh.

Vụ đông xuân 2022-2023, nhìn chung sản xuất lúa gặp bất lợi do lũ rút chậm, kết hợp với triều cường ở mức cao, nông dân phải tốn chi phí bơm tác đầu vụ, đồng thời giá nhiều loại vật tư đầu vào cũng còn duy trì ở mức cao. Song, giá nhiều loại phân bón giảm so với vụ trước và thời tiết có nhiều thuận lợi cho lúa phát triển và nông dân cũng đã nắm rành các kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa và chủ động phòng tránh các loại sâu bệnh. Nông dân cũng được ngành Nông nghiệp thành phố hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giúp cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh và giảm được chi phí. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ những năm qua và được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, nông dân đã chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa từ sớm ngay ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch để lúa ít bị đổ ngã. Đồng thời, đồng ruộng được khô ráo và không bị sình lầy, thuận lợi đưa các máy móc cơ giới vào đồng ruộng vận hành thu hoạch lúa.

Vụ lúa đông xuân 2022-2023, nông dân tỉnh Hậu Giang gieo cấy được hơn 75.500ha, vượt hơn 500ha so với kế hoạch. Với các giống lúa gồm: OM 18, Đài thơm 8, OM 5451, RVT, ST 25, Jasmine 85… Hiện nay, một số vùng xuống giống sớm tại huyện Long Mỹ và Châu Thành A đã và đang vào vụ thu hoạch.

Theo người dân, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây lúa phát triển, các loại dịch hại xuất hiện ít, nhất là dịch hại rầy nâu và bệnh bạc lá, đồng thời nông dân chủ động phòng ngừa và áp dụng tốt các quy trình canh tác theo hướng “3 giảm 3 tăng” hay “1 phải 5 giảm” nên nhìn chung các ruộng lúa của nông dân đều trúng mùa.

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, giá lúa đông xuân đầu vụ đang ở mức hấp dẫn là do tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, nhờ thị trường rộng, đồng thời giá gạo xuất khẩu cũng ở mức cao; trong đó có việc Trung Quốc mở cửa thị trường làm cho nhu cầu gạo xuất khẩu tăng mạnh.

Hiện, tại nhiều cánh đồng lúa đông xuân ở Hậu Giang đang giá bán lúa tươi tại ruộng được bà con đã cân lúa hoặc nhận tiền cọc trước từ thương lái hay “cò lúa” có mức dao động từ 6.600-7.500 đồng/kg (tùy giống), tăng bình quân từ 500-1.000 đồng/kg so với vụ Đông xuân năm trước.

Dù việc thu hoạch và tiêu thụ lúa đông xuân đang rất thuận lợi nhưng nông dân không được chủ quan, nhất là khi tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp và dự kiến trong một vài tuần nữa, lúa đông xuân mới bước vào thu hoạch rộ. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng nhất trong năm này, nông dân cần chủ động liên hệ, thỏa thuận giá bán lúa với các tiểu thương, doanh nghiệp và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc phục vụ thu hoạch lúa nhằm đảm bảo thu hoạch, tiêu thụ lúa kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ lúa đông xuân trúng mùa được giá, người dân vui mừng