Châu Âu vừa phải trải qua tháng 11 nóng nhất trong lịch sử

Hồng Trang|09/12/2020 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiệt độ mặt đất và không khí tại châu Âu trong tháng 11/2020 cao hơn 0,8 độ C so với mức trung bình trong 30 năm từ 1981-2010 và cao hơn 0,1 độ C so với kỷ lục trước đó.

Theo số liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), tháng vừa qua là tháng 11 nóng nhất từng được ghi nhận tại châu lục này trong khi mùa Thu 2020 cũng là mùa Thu ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục.

Theo phân tích của Hệ thống theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), nhiệt độ mặt đất và không khí tại châu Âu trong tháng 11/2020 cao hơn 0,8 độ C so với mức trung bình trong 30 năm từ 1981-2010 và cao hơn 0,1 độ C so với kỷ lục trước đó.

Nhiệt độ mùa Thu bán cầu Bắc (tháng 9 – tháng 11) đo được tại châu Âu cũng cao hơn 1,9 độ C so với mức tiêu chuẩn và cao hơn 0,4 độ C so với nhiệt độ trung bình năm 2006, mức nhiệt kỷ lục trước đó.

Châu Âu trải qua tháng 11 nóng nhất lịch sử. (Nguồn: dw)

Trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình tháng 11 của năm 2020 cao hơn gần 0,8 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010 và cao hơn 0,1 độ C so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Carlo Buontempo nói rằng: “Những con số này phần nào phản ánh xu hướng nóng lên toàn cầu trong thời gian dài vừa qua”.

Ông cho biết tháng 11 là “tháng đặc biệt nóng” trên toàn thế giới. Nhiệt độ ở Bắc Cực và miền Bắc Siberia vẫn luôn ở mức cao trong khi lượng băng ở biển gần chạm mức thấp nhất.

“Xu hướng này liên quan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát toàn diện Bắc Cực, vì nó đang ấm lên nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới”, chuyên gia Buontempo nói thêm.

Giám đốc C3S Carlo Buontempo cho biết, các ghi chép này phù hợp với xu hướng ấm lên của khí hậu toàn cầu về lâu dài. Ông Buontempo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khí hậu xem đây là hồi chuông cảnh báo, cũng như nghiêm túc cân nhắc cách tốt nhất để thực hiện cam kết quốc tế đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Thỏa thuận mang tính cột mốc, sắp kỷ niệm 5 năm ký kết vào tháng 12 này, kêu gọi các nước tham gia hạn chế mức nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Hồng Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu vừa phải trải qua tháng 11 nóng nhất trong lịch sử