Châu Phi: Ebola có nguy cơ bùng phát không kiểm soát

Minh Anh|22/08/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 43 người ở Équateur, Congo, tử vong vì Ebola. Tốc độ lây lan nhanh khiến quan chức y tế lo ngại.

Đợt dịch này đã lây nhiễm cho 100 người ở Équateur, Congo. Các quan chức y tế địa phương lo ngại dịch Ebola có nguy cơ bùng phát không kiểm soát và lan rộng ra nhiều nơi ở châu Phi. Équateur là khu vực hẻo lánh và nghèo đói. WHO cảnh báo dịch Ebola tại đây có thể lây lan đến 11 khu vực y tế khác, trong bán kính 180 dặm (khoảng 290 km).

Tình trạng hiện tại gây lo ngại cho các cơ quan y tế bởi Mbandaka – thủ phủ của Équateur – là cảng quan trọng trên sông Congo. Nó nằm ở điểm nút giao thông đường sông nối Équateur với Kinshasa (nơi có 12 triệu người sinh sống) và Brazzaville, thủ đô của Congo với 2 triệu dân.

Đợt dịch bùng phát tại Équateur, Congo gần đây khiến các quan chức y tế lo ngại. Ảnh: WHO.

Nếu virus đến một trong hai nơi trên, nó có thể dẫn đến đợt bùng phát ở đô thị, thách thức và quy mô lớn hơn đợt bùng phát ở Tây Phi năm 2014-2015. Đợt dịch này đã cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người.

Ebola là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới. Giới khoa học phát hiện virus Ebola lần đầu vào năm 1976 tại CHDC Congo. Virus này được đặt theo tên của con sông nơi người ta phát hiện nó lần đầu. Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm Ebola rất cao, từ 25% đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus. Với khả năng lây lan nhanh chóng, mỗi trận dịch Ebola đều có khả năng trở thành đại dịch trên toàn cầu.

Các triệu chứng ban đầu mà người bị nhiễm virus Ebola thường gặp là sốt đột ngột, cơ thể suy yếu trầm trọng, đau cơ và đau cổ họng. Sau đó, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng như nôn mửa, phát ban sẽ xuất hiện và trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết trong và ngoài cơ thể. Loài dơi ăn quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus Ebola. Động vật linh trưởng cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh.

Virus Ebola sẽ lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh hay do tiếp xúc gián tiếp với môi trường có virus. Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và việc chẩn đoán rất khó. Nhân viên y tế cũng dễ dàng nhiễm bệnh nếu họ làm việc mà không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Phi: Ebola có nguy cơ bùng phát không kiểm soát