Chiến dịch “Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì 2022”: Hiểm họa nhiễm độc chì đối với trẻ em

Nguyên Lâm|21/10/2022 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) diễn ra từ 23 - 29 tháng 10/2022, “Nói không với nhiễm độc chì” là thông điệp chính của chiến dịch năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các nguy cơ nhiễm độc chì.

Phòng chống Nhiễm độc Chì

Được phát động lần đầu tiên vào tháng 10/2013, Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) diễn ra vào tuần thứ ba của tháng mười hàng năm là sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về Loại bỏ sơn chì (Liên minh Sơn chì), do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn dắt. Tuần lễ ILPPW năm 2022 đánh dấu 10 năm nỗ lực hành động loại bỏ sơn chì.

“Nói không với nhiễm độc chì” là thông điệp chính của chiến dịch năm nay để nhắc nhở các chính phủ, các tổ chức xã hội, ngành y tế, ngành công nghiệp và người dân về những rủi ro của việc phơi nhiễm chì và kêu gọi các bên cùng hành động.

Cũng trong Tuần lễ hành động này, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) một lần nữa nhấn mạnh Những nguy cơ của sơn chì đối với trẻ em.

CGFED đồng hành cùng Liên Minh Toàn cầu Loại bỏ Sơn chì (gọi tắt là Liên Minh), một chương trình chung do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) dẫn dắt, trong Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) diễn ra từ 23-29 tháng 10 năm nay, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách cần bảo vệ sức khoẻ của trẻ em thông qua hành động loại bỏ việc sử dụng sơn chì. Các sự kiện ILPPW năm nay sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các nguy cơ nghiễm độc chì, bao gồm cả sơn chì vẫn đang tiếp tục được sản xuất và sử dụng ở hơn 50% quốc gia trên thế giới.

“Nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy tất cả 20 trẻ mầm non tham gia nghiên cứu đều có hàm lượng chì máu cao hơn mức độ tham chiếu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) – là 3,5 µg/dL. Cụ thể hàm lượng chì máu trung bình của trẻ em tham gia nghiên cứu là 4,75 µg/dL, thấp nhất là 3,59 µg/dL và cao nhất là 9,77 µg/dL” – Bà Nguyễn Kim Thúy, giám đốc điều hành CGFED cho biết.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy không có mức độ phơi nhiễm chì nào là an toàn. Chì là một chất độc mạnh, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có hại với trẻ nhỏ. Mặc dù ở liều lượng thấp, chì vẫn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi như giảm khả năng chú ý và gia tăng các hành vi chống đối xã hội, giảm khả năng học hành. Phơi nhiễm chì cũng có thể gây tổn thương thận, cơ quan sinh sản, và hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng thiếu máu và tăng huyết áp. Các tác động đến thần kinh và hành vi của chì thường không thể khắc phục.

"Từ lâu chúng ta đã biết về những mối nguy hại từ sơn chì đối với con em và gia đình chúng ta, và nhiều quốc gia trên thế giới đã chấm dứt việc bán sơn chì từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, sơn chì vẫn được sử dụng và gây ra các nguy cơ sức khoẻ suốt đời cho hàng triệu trẻ em. Trẻ em không thể đợi thêm mười năm nữa để loại bỏ sơn chì - Chúng ta cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng nhiễm độc chì của con em mình!", phát biểu của ông Manny Calonzo, Người đạt giải Goldman 2018, Cựu Đồng Chủ tịch Mạng lưới IPEN, và là nhà sáng lập Chương trình Chứng nhận Sơn chì An toàn của IPEN.

Ngay cả ở những quốc gia đã cấm sơn chì, những ngôi nhà cũ được sơn bằng sơn chì vẫn tiếp tục gây ra các vấn đề sức khỏe có liên quan đến chì cho hàng triệu trẻ em. Đó là lý do vì sao hành động loại bỏ sơn chì trên toàn cầu là cấp thiết - các loại sơn chì được bày bán hiện nay sẽ tiếp tục đe dọa sức khoẻ của con em chúng ta trong nhiều thập kỷ tới.

phong-chong-nhiem-doc-chi.jpg
 Trẻ em đang đối diện với nhiều nguy cơ nhiễm độc chì

Nguy cơ phơi nhiễm chì ở trẻ em tại Việt Nam

Ở Việt Nam có một số nghiên cứu về tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em, tập trung ở những trẻ sống ở vùng nguy cơ cao như làng nghề, khu sản xuất tái chế sản phẩm chứa chì, nghiên cứu về chì trong đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ em trong các trường mầm non. Các nghiên cứu đã bước đầu cho thấy được bức tranh tổng quan về thực trạng nhiễm độc chì máu đối với những khu vực có nguy cơ cao khi tiếp xúc trực tiếp với chì.

Tình trạng nhiễm chì ở trẻ em làng nghề tái chế chì là rất cao:

 100% trẻ em dưới 10 tuổi tại làng nghề Đông Mai có hàm lượng chì máu cao hơn 10 μg/dL, có đến 19/24 trẻ có hàm lượng chì máu trên 45 μg/dL sau khi được xét nghiệm bằng máu tĩnh mạch (Lỗ Văn Tùng và cộng sự, 2012).

Tỉ lệ nhiễm độc chì máu ở trẻ từ 2-14 tuổi sống tiếp giáp khu vực nơi khai khoáng tại Bản Thi, Bắc Kạn và Tân Long, Thái Nguyên là 64,76% (10 - 45 µg/dL) và 1% ( > 45 µg/dL) (Hoàng Thị Giang, 2016).

Chì tóc tăng cao có liên quan đến trẻ em sống cùng người thân tiếp xúc với chì trong công việc. Lượng chì trong tóc trung bình của trẻ em tại 2 trường mầm non ở Hà Nội là 4,8 ± 4,7 µg/g, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ phơi nhiễm với chì chiếm 30,4%, phơi nhiễm nghiêm trọng chiếm 1,0% (Doãn Ngọc Hải và cộng sự, 2018).

Nghiên cứu của CGFED và NIOEH (2021) trên 48 trẻ em tại trường mầm non xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho thấy 23 trẻ có hàm lượng chì máu nằm trong khoảng từ 5,26 – 20,72 µg/dL, cao hơn giới hạn tham chiếu của CDC Hoa kỳ (3,5 µg/dL) từ 1,5 – 6,5 lần.

Năm 2022, CGFED và NIOEH tiếp tục phối hợp thực hiện khảo sát hàm lượng chì trong môi trường sinh sống (sơn tường và đồ chơi) và đánh giá lại hàm lượng chì máu của 20 trong số 23 trẻ nói trên nhằm:

Xác định mối tương quan giữa hàm lượng chì máu của trẻ và hàm lượng chì trong môi trường xung quanh và đồ chơi nhựa mà trẻ tiếp xúc;

Xác định các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm chì liên quan đến môi trường xung quanh và thói quen sinh hoạt của gia đình và của trẻ.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy:

Hàm lượng chì máu ở trẻ năm 2022 giảm đáng kể so với năm 2021 (tỷ lệ giảm từ 7,4 – 56,6%). Đặc biệt, trẻ có hàm lượng chì máu cao nhất năm 2021 là 20,72 µg/dL giảm xuống còn 9,77 µg/dL (sau 1 năm không sử dụng thuốc cam - nguồn phơi nhiễm chính với chì của trẻ này)

Hàm lượng chì máu trung bình của trẻ em nam là 4,90 µg/dL, cao hơn rất ít so với hàm lượng hàm lượng chì máu trung bình của trẻ em nữ (4,39 µg/dL). Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của CGFED và NIOEH (2021) trên 48 trẻ em tại trường mầm non.

Cả 20 trẻ trong nghiên cứu này đều có nguy cơ phơi nhiễm với chì nếu so sánh với giới hạn tham chiếu về hàm lượng chì máu bình thường ở trẻ (< 3,5 µg/dL) của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Một số vấn đề có thể là tác nhân ảnh hưởng khi đánh giá hàm lượng chì máu ở trẻ trong nghiên cứu:

Hàm lượng chì trong đồ dùng xung quanh có thể ảnh hưởng đến hàm lượng chì máu của trẻ. Kết quả đo nhanh bằng X-MET8000 Expert - thiết bị phân tích kim loại cầm tay dùng phương pháp huỳnh quang tia X (XRF) - cho thấy hàm lượng chì cao hơn rất nhiều (so với mức giới hạn tối đa chấp nhận được theo quy định tại TCVN 6238-3:201), lên tới 27.4 mg/kg, tương đương mức độ thôi nhiễm có thể đạt 19.161,8 mg/kg đối với trẻ sống trong những gia đình còn sử dụng loại cửa phòng bằng nhựa (đã cũ). Trong đó, có một trẻ, hàm lượng chì máu năm 2022 thậm chí tăng nhẹ so với kết quả năm 2021.

Môi trường xung quanh có hoạt động có thể phát sinh chì (ví dụ: gia công cơ khí) có thể ảnh hưởng đến hàm lượng chì máu ở trẻ và tốc độ thải loại chì máu ra khỏi cơ thể. Khi đánh giá theo yếu tố nguy cơ, gia đình của 03 trẻ có hoạt động gia công cơ khí (chế biến kim loại) tại nhà: có một trẻ, hàm lượng chì máu năm 2022 mặc dù giảm so với 2021, nhưng tỷ lệ giảm thấp nhất so với các trẻ khác.

Nguồn nước sử dụng của hộ gia đình. Tất cả các gia đình trẻ được đánh giá đều sử dụng nước ngầm để phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, đến thời điểm nghiên cứu, các hộ gia đình này chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước.

nhiem-doc-chi.jpg

Chì là một chất độc đã được công nhận là có tác hại đến sức khỏe con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa và máu. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì các em có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn và vì chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.

Các nguồn tiếp xúc với chì chủ yếu bao gồm ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác, nấu chảy, sản xuất và tái chế chì, và sử dụng chì trong nhiều loại sản phẩm. Hơn 3/4 lượng chì tiêu thụ trên toàn cầu dành cho việc sản xuất ắc quy axit-chì cho các loại phương tiện giao thông có động cơ. Các sản phẩm có chứa chì khác bao gồm bột màu, sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi, một số mỹ phẩm như phấn trang điểm mắt, mỹ phẩm dạng bột phấn có màu đỏ son hoặc cam-đỏ và các loại thuốc truyền thống được sử dụng ở các nước như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam. Nước uống được cấp qua đường ống làm từ chì hoặc nối bằng chất hàn chì cũng có thể chứa chì.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chiến dịch “Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì 2022”: Hiểm họa nhiễm độc chì đối với trẻ em
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.