Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040

Minh Châu|24/09/2020 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu sản xuất, chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Mức tăng trưởng giá trị sản xuất: giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm.Sản lượng thịt xẻ các loại: đến năm 2025 đạt từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6,0 đến 6,5 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu từ 15 đến 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm.Sản lượng trứng, sữa: đến năm 2025 đạt từ 18 đến 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: từ 25 đến 30% vào năm 2025, từ 40 đến 50% vào năm 2030.

Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung, công nghiệp các loại vật nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống bản địa.

Ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 40 đến 45 triệu tấn, sản lượng thực tế từ 30 đến 32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh tổng số. Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi.

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển mạnh công nghiệp chế biến và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi.

Tầm nhìn đến năm 2040

Đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó: Trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi: Bao gồm chính sách đất đai; chính sách tài chính và tín dụng; chính sách thương mại… Dự thảo Chiến lược nêu ra những nội dung, lĩnh vực mà Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và hỗ trợ đầu tư phát triển nhằm đạt mục tiêu chung của Chiến lược. Trong từng thời kỳ và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước sẽ có chính sách cụ thể phù hợp với từng lĩnh vực và đối tượng thụ hưởng.

Đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29 – 30 triệu con

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh: Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh; Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin, thuốc, chế phẩm thú y; Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống kiểm dịch động vật, trong đó chú trọng kiểm dịch biên giới, cửa khẩu; thiết lập hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật.

Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Tăng cường đầu tư và xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, thú y theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; Nghiên cứu xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành chăn nuôi, thú y phù hợp thực tiễn quản lý và thông lệ quốc tế…; Nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất tuần hoàn, áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi: Công nghiệp hóa khâu sản xuất và cung ứng giống vật nuôi; cùng với việc nhập nội bổ sung các nguồn giống cao sản, giống chất lượng, cần tập trung phục tráng, nhân thuần các giống bản địa có nguồn gen tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống phù hợp với nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi: Rà soát, điều chỉnh mạng lưới cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp phù hợp với quá trình chuyển dịch vùng và cơ cấu chăn nuôi; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; Chuyển một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng cỏ cây thức ăn chăn nuôi; Khuyến khích đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, kho bãi chuyên dùng phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; Khuyến khích phát triển mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã.

Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: Tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hoá, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đào tạo nguồn nhân lực: Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở; Chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi; Đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên sâu một số lĩnh vực quan trọng như giống, dinh dưỡng, thú y, công nghệ chế biến thức ăn và sản phẩm chăn nuôi; Chuẩn hóa các chương trình đào tạo và tăng cường các nguồn lực, phương thức đào tạo theo hướng xã hội hoá phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi: Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học để cung cấp các thiết bị chuồng trại, giết mổ, chế biến; Khuyến khích phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý ngành và quản trị hoạt động kinh doanh chăn nuôi.

Đổi mới tổ chức sản xuất: Tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y: Kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách quản lý ngành chăn nuôi, thú y; Hoạt động chăn nuôi, thú y là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040