Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tại Tuyên Quang

Minh Châu|23/09/2020 00:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 5 năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với hơn 7.557 ha cam sành, 8.588 ha chè, 4.565 ha lạc, 4.012 ha bưởi …

“Ôm” trọn vùng ngã ba sông Lô-Gâm là hai xã Phúc Ninh và Xuân Vân, “thủ phủ” vùng bưởi hàng hóa của huyện Yên Sơn, mỗi xã có hơn 800 ha bưởi. Ðây cũng là hai xã sớm xác định được sản phẩm thế mạnh, từ đó triển khai thực hiện quy hoạch bài bản cho nên đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị lớn.

Cây bưởi vốn có từ lâu ở vùng đất này, nhưng chỉ đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân kể từ khi thực hiện quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung và trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2013, bưởi Yên Sơn được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và năm 2018 được cấp chứng thư tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đến nay bưởi Xuân Vân, bưởi Phúc Ninh đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm cam sành Hàm Yên được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng.

Từ đó, giá trị của cây bưởi ngày càng được nâng cao. Vào thời điểm này, đã bắt đầu vụ bưởi sớm cho nên trên các tuyến đường về Xuân Vân, Phúc Ninh tấp nập xe của thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua bưởi. Có nhãn hiệu, có tên tuổi, thị trường của bưởi Yên Sơn được mở rộng ra cả miền bắc. Thu nhập của người dân cũng từ đó mà nâng dần lên, trung bình, mỗi héc-ta bưởi cho thu nhập hơn 450 triệu đồng. Lão nông Hoàng Chí Hà, một trong những người đầu tiên đưa cây bưởi về trồng trên đất Soi Ðát (Xuân Vân) chia sẻ, với hai mẫu đất trồng bưởi, năm trước, gia đình ông thu về gần 800 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Nguyễn Hữu Phương cho biết thêm, hiện người dân đang trồng bốn giống bưởi gồm: Bưởi đường, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh. Mỗi giống bưởi lại cho thu hoạch cách nhau hơn một tháng cho nên từ nay đến trước Tết âm lịch, lúc nào cũng là mùa thu hoạch bưởi. Ông Phương cũng cho biết, mục tiêu của huyện là mở rộng diện tích bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời khuyến khích người dân chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần tìm kiếm các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ năng lực ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân, để bưởi Yên Sơn có chỗ đứng ổn định, vững chắc hơn trên thị trường. Hiện tại, Yên Sơn đang đứng đầu tỉnh về sản lượng bưởi, và cũng là huyện có nhiều nhãn hiệu hàng hóa được công nhận nhất với 17 nhãn hiệu. Yên Sơn cũng là một trong ba huyện đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất kinh tế nông nghiệp của tỉnh với khoảng 1.500 đến 1.600 tỷ đồng/năm.

Vùng cam tập trung của tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 7.557 ha, trong đó chủ yếu ở huyện Hàm Yên với 7.269 ha. Những năm gần đây, nhờ tích cực xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đồng thời tập trung tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng cam áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, cho nên cây cam sành Hàm Yên đã tăng cả về diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm. Cam sành Hàm Yên được công nhận thương hiệu năm 2007, năm 2013 được vinh danh và lọt tốp 10 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam và tiếp tục nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”.

Ðến nay, cam sành Hàm Yên đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc. Năm 2019, giá trị sản xuất từ cây cam mang lại đạt hơn 800 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nông dân tại chín xã vùng trọng điểm cam của huyện đã có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng trong mỗi niên vụ sản xuất và cây cam dần đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Cam sành Hàm Yên với tép cam vàng óng căng mọng, thơm ngon, thanh mát không chỉ có tiếng ở trong nước mà đã được xuất khẩu sang một số nước.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, theo hướng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ðẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để thuận tiện cho việc ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển sản xuất quy mô lớn; tiếp tục đồng hành với người dân xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Ðồng thời, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ và chính sách khuyến khích hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Từ đó, giúp các nông sản thế mạnh của tỉnh không ngừng vươn xa cả thị trường trong nước và quốc tế trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có; đồng thời nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển bền vững, hiệu quả.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tại Tuyên Quang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.