Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Mai An|26/05/2020 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều quy định mới đáng chú ý.

Sáng 26/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Môi trường không còn khả năng tiếp nhận chất thải

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật.

“Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Cải cách mạnh mẽ

Theo tờ trình, dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Lần đầu tiên, các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác được đưa vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ vào dự thảo Luật nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về BVMT; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Cũng lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP, …; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Đáng chú ý, về nội dung đánh giá tác động môi trường, dự thảo Luật thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đối với khí thải, Dự thảo Luật đề xuất chuyển chức năng ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải từ Bộ GTVT sang Bộ TN&MT, không làm ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật chuyên ngành về giao thông vận tải. Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và lộ trình áp dụng quy định này cho các tuyến đường đã được xây dựng.

Bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong tờ trình của Chính phủ, song cơ quan thẩm tra là Uỷ ban KH, CN&MT của Quốc hội lưu ý, một số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau giữa Dự thảo Luật BVMT và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC), nhất là việc mở rộng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến phá vỡ nguyên tắc pháp chế.

Đặc biệt, Uỷ ban KH, CN&MT cho rằng, việc quy định sử dụng 50% tiền thu được từ việc xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT trên địa bàn quản lý là trái với Luật Ngân sách Nhà nước, cần cân nhắc.

Mai An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.