Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ nay đến hết tháng 5-2020, các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn tiếp diễn, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang), nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn kéo dài đến cuối tháng 5, cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt…
Vùng thượng nguồn ĐBSCL (gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ), nguồn nước hiện tại được xem là khó khăn do đầu nước thấp, cần chủ động điều tiết nước và bơm tát, thực hiện giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên… Vùng giữa ĐBSCL (gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu lượng nước thượng nguồn về thấp, khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng, cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả; giảm diện tích cây trồng sử dụng nhiều nước ở vùng ven biển nơi chưa đảm bảo nguồn nước; chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, hạn chế tiêu thoát nước; mặn tuy giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì cao đến cuối tháng 5, cần bảo vệ các nguồn nước hiện hữu (bổ sung đập tạm), kiểm tra thường xuyên nguồn nước, tích nước ngay khi có thể, có biện pháp giảm thiểu bốc thoát hơi nước cho cây trái…
Minh Anh (T/h)