Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, là trung tâm văn hóa và danh lam thắng cảnh với nhiều di tích lịch sử ở Việt Nam còn được gìn giữ. Hơn nữa, vùng đất này còn có rất nhiều lễ hội trong năm hấp dẫn du khách. Vì vậy, các địa điểm du lịch Hải Dương luôn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, Hải Dương cũng có nhiều khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và đẹp không kém những tỉnh thành khác trên cả nước.
Đảo Cò Chi Lăng
Đảo cò Chi Lăng thuộc xã Chi Lăng Nam, đảo cò là địa điểm tham quan, du lịch ở Hải Dương được giới trẻ yêu thích. Du khách tới đây sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên tươi mát, chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ, tận hưởng bầu không khí trong lành, dễ chịu, cùng những dòng nước mát lạnh và đặc biệt được ngắm nhìn những đàn cò trắng xóa đậu khắp khu đảo nhỏ xinh đẹp này. Bên cạnh đó, đây còn là điểm chụp ảnh thiên nhiên lý tưởng, để chụp ảnh sống ảo.
Bạn có thể thực hiện chuyến đi đến đảo cò Chi Lăng bất kể thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, lí tưởng nhất là vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm cò, vạc ở khắp nơi đều tụ tập về đây để kiếm ăn, tạo nên không gian thiên nhiên sôi sối. Nhất là vào buổi sáng sớm và buổi tối, hàng ngàn chú cò, vạc đều cất tiếng “giao ca” vô cùng thú vị. Đảo cò là khu sinh thái nổi tiếng của tỉnh Hải Dương với không khí trong lành thoáng đãng phù hợp với việc nghỉ ngơi và vui chơi sau những ngày làm việc và học tập căng thẳng.
Cánh Đồng Hoa Rễ
Nếu du lịch Hải Dương mà chưa biết phải đi đâu thì cánh đồng hoa rễ là một gợi ý hay. Rất phù hợp để du khách cùng người ấy, đảm bảo du khách sẽ có một chuyến du lịch đáng nhớ. Cánh đồng hoa rễ nằm ở huyện Cẩm Giàng, cách Hà Nội không quá xa. Hễ ai nhắc đến cây rễ là biết ngay đó là đặc trưng của con người và vùng đất Chí Linh. Tại cánh đồng hoa rễ, du khách được chiêm ngưỡng những cung đường được phủ bởi màu xanh ngút ngàn. Nhờ có màu xanh lan tỏa, du khách sẽ có được những tấm ảnh tuyệt vời với mọi cảnh vật nơi đây.
Bởi vẻ đẹp nơi đây được ví như xứ sở Đà Lạt thu nhỏ, với những cánh đồng hoa rễ bạt ngàn, nở rộ khiến cho nhiều du khách đặt chân tới đây đều bị chinh phục bởi vẻ đẹp thiên nhiên đầy thơ mộng. Đứng trên đường nhìn những gốc cây trơ trụi lại sau khi thu hoạch vẫn toát lên cái vẻ đẹp mộc mạc nên thơ. Khám phá nơi đây, du khách được thư giãn trong không gian yên tĩnh, thơ mộng trước một khung cảnh thiên nhiên với rừng cây xanh rất tuyệt vời.
Danh Thắng Côn Sơn
Đến với Hải Dương mà không ghé thăm Côn Sơn là một thiếu sót vô cùng lớn. Khu di tích Côn Sơn thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 70km. Khu di tích gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử, đây cũng là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần, có vị trí nằm ở xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh. Đến với khu di tích Côn Sơn, ngoài việc thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên lịch sử, du khách còn được tìm hiểu thông tin lịch sử nơi đây. Du khách còn được khám phá nhiều địa điểm khác như Bàn cờ tiên, giếng ngọc, chùa Côn Sơn,…
Khu di tích nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng – Kỳ Lân gồm có núi non, chùa, tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử. Hiện nay, khu di tích Côn Sơn còn lưu giữ được những dấu tích văn hóa của thời Trần và các giai đoạn lịch sử kế tiếp. Đây là một điểm du lịch nổi tiếng ở Hải Dương, du khách sẽ không thất vọng về chuyến khám phá tại khu di tích.
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh. Đây là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là điểm tham quan hang Tiền, khám phá núi Trán Rồng,… cùng với quang cảnh thiên nhiên luôn chiều lòng khách tham quan. Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo nên thế rồng chầu, hố phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Ngay trước đền có cổng rộng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ.
Tại đền Kiếp Bạc tổ chức lễ hội từ ngày 15 đến ngày 20/8 âm lịch, ngoài ra đầu xuân cũng có các hoạt động lễ hội ở đây. Do tính chất địa lý (gần chùa Côn Sơn) và lịch sử, lễ hội Côn Sơn (gắn liền với Nguyễn Trãi) và lễ hội đền Kiếp Bạc (gắn liền với Trần Hưng Đạo) nên được tổ chức trùng nhau để người dân tưởng nhớ tới hai vị anh hùng dân tộc. Ngoài ra, tại đền Kiếp Bạc vào năm 2006, chính quyền chính thức công nhận hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng.
Văn miếu Mao Điền
Việt Nam có Văn miếu lớn, lâu đời nhất là Văn miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, thứ hai là Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích được khởi lập cách đây hơn 500 năm, vào thời Lê sơ. Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ; Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, được chọn làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trương thi Hương. Từ đó, di tích có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.
Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn ngọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu nằm ở phía Bắc đường Quốc lộ 5A chừng 200m, cách Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Đông và cách trung tâm thành phố Hải Dương 16km.
Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương
Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Di tích gồm An Phụ: gồm Đền An Phụ và chùa Tường Vân (Chùa Cao) thuộc xã An Sinh; Kính Chủ: Động Kính Chủ thuộc núi Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (còn gọi là Bồ Đà, Quán Châu, Thạch Môn), lại có hang thông lên trời gọi là Dương Nham; Nhẫm Dương: chùa Nhẫm Dương (chùa Nhẫm, tên chữ là Thánh Quang) thuộc xã Duy Tân.
Đền An Phụ còn có tên là Đền Cao. Đền nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền, đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh vương Trần Liễu - Thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tiền tế, trung từ và hậu cung. Hậu cung có thờ tượng Trần Liễu và hai cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô - con gái của Hưng Đạo Đại Vương.
Động Kính Chủ có nhiều ngõ ngách, chính giữa là ban thờ Phật, bên phải là bệ thờ vua Lý Thần Tông và Lý Chiêu Hoàng, phía trong thờ Đức Thánh Hiền, Ban Cô. Bên trái động thờ Thành Hoàng, Đức Ông. Sâu hơn ở phía trong là tượng Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Hiện tại, trong động còn tổng 47 bia ma nhai như một bảo tàng về văn bia với những nét chạm khắc tài hoa, phản ánh rõ nét phong cách trang trí mỹ thuật đương thời từ thời Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Chùa Nhẫm Dương, tên chữ là Thánh Quang tự, là một ngôi chùa lớn, được khởi dựng từ thời Trần, được tôn tạo và khá sầm uất vào thời Lê, thời Nguyễn. Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê - bảo vật quý giá cho thấy bề dày lịch sử của ngôi chùa. Chùa Nhẫm Dương còn có các di chỉ khảo cổ học như động Thánh Hoá và Hang Tối, với 1.796 hiện vật - chủ yếu là hoá thạch của các loài động vật có niên đại từ 3 - 5 vạn năm.
Đền Đươi
Đền Đươi còn có tên Quỳnh Hoa từ, ở làng Cẩm Cầu, xã Thống Nhất (Gia Lộc, Hải Dương). Đây là ngôi đền cổ được xây dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 11). Năm 1991, đền Đươi được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Đền thờ Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan (7/3/1044-25/7/1117). Bà tên là Lê Thị Yến hay Lê Khiết, phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông. Trong chiến tranh, đền Đươi là cơ sở cách mạng ở địa phương, trung tâm liên lạc kết nối với chiến khu Việt Bắc.
Làng gốm Chu Đậu
Làng gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chu là thuyền, Đậu là bến, tức thuyền đậu bên bến sông. Chu Đậu vốn là làng quê nhỏ bên dòng sông Thái Bình, danh tiếng lan xa đến khi xuất hiện những dấu vết về nghề gốm đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất trên thế giới hàng thế kỷ trước.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng.
Làng rối nước Thanh Hải
Hải Dương còn lại 3 phường múa rối là Hồng Phong, Thanh Hải và Lê Lợi. Tất cả đều tận dụng ưu thế là địa điểm biểu diễn xen lẫn với nhà cửa, ruộng đồng. Nhờ vậy, du khách có được cảm giác gần gũi khi theo dõi.
Trong ao nước nhỏ nằm giữa xóm làng, một thủy đình được xây dựng làm địa điểm biểu diễn. Những câu chuyện ruộng đồng được người địa phương, thường quen với tay cầy tay cấy khơi gợi khéo léo. Các tiết mục múa tứ linh, chuyện chàng câu ếch... cứ thế diễn ra tự nhiên được du khách hưởng ứng nhiệt tình.
Khác với nhiều nơi, nghệ thuật múa rối ở đây có hệ thống điều khiển khác biệt. Nếu nhiều phường khác sử dụng sào đưa rối ra rồi giật dây, người dân nơi này cắm cọc âm dưới nước rồi nối dây lại. Khi đó, mỗi hoạt động, cử chỉ của "nhân vật" sẽ do sự khéo léo, tài tình của họ điều khiển.
Du lịch Hải Dương mùa nào đẹp nhất?
Hải Dương nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, được chia thành bốn mùa rõ rệt trong năm là Xuân, hạ, thu, đông, tương tự thời tiết ở Hà Nội. Mùa hè ở đây nóng ẩm, lượng mưa dày đặc. Mùa xuân tiết trời ấm áp hơn còn mùa thu êm dịu, mát mẻ. Mùa đông có gió mùa đông Bắc tràn về nên khí hậu tương đối hanh khô và lạnh.
Du khách có thể đi du lịch Hải Dương vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, vì mỗi mùa sẽ mang một nét đẹp riêng biệt:
Tháng 2 đến tháng 4: Đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn ở Hải Dương. Một số địa điểm di tích thu hút đông đảo lượng du khách khắp nơi như đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn…
Tháng 6 đến tháng 7: Đây là mùa của các loại trái cây như hồng xiêm, ổi Thanh Hà, Vải thiều,.. những loại trái cây này đều rất được yêu thích ở Hải Dương và các tỉnh thành lân cận.
Ngoài ra, trước khi đi du lịch Hải Dương, du khách nên theo dõi dự báo thời tiết nhằm tránh đi vào mùa mưa bão, gây khó khăn cho chuyến hành trình khám phá của bạn.