(Moitruong.net.vn) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt dự án Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải”.
Nhiệm vụ chủ yếu của Dự án là điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên phạm vi toàn quốc: Điều tra, tập hợp, thống kê toàn bộ nguồn thải trên phạm vi toàn quốc; rà soát, đánh giá, phân loại nguồn thải, chất thải, mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ các chất thải; đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý nguồn thải.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải gồm: Xây dựng cấu trúc tổng thể của cơ sở dữ liệu về nguồn thải; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường), kết nối với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Đồng thời, rà soát, xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, quy định để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải.
Giải pháp thực hiện Dự án là phải xác định cụ thể tiêu chí và xây dựng phương án để điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải bảo đảm việc thực hiện đầy đủ, chính xác, khoa học và hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên cơ sở kế thừa kết quả hoạt động tổng điều tra kinh tế năm 2017 và các cuộc điều tra khác có liên quan.
Việc điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải phải được thực hiện theo đúng kế hoạch, có hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện; đặc biệt coi trọng việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện.
Cơ sở dữ liệu về nguồn thải phải có khả năng mở rộng, tùy chỉnh và linh hoạt, đảm bảo kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với khung cấu trúc Chính phủ điện tử.
Việc xả thải của các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh,… đang là vấn đề được dư luận quan tâm, bởi nguy cơ gây ô nhiễm cao, một khi xảy ra ô nhiễm do xả thải sẽ rất khó giải quyết và để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sinh kế của người dân và các ngành kinh tế khác.
Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải được phê duyệt sẽ giúp chúng ta kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn xả thải.
Cơ sở dữ liệu về nguồn thải phải có khả năng mở rộng, tùy chỉnh và linh hoạt, đảm bảo kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với khung cấu trúc Chính phủ điện tử. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 – 2021.
Tại TPHCM, hiện TP có 10 khu công nghiệp và 3 khu chế xuất. Mỗi ngày 13 khu công nghiệp và khu chế xuất này thải ra môi trường khoảng 32.000 m3 nước thải công nghiệp. Tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất này đều có hệ thống xử lý chất thải tập trung nhưng tình trạng ô nhiễm tại khu vực xung quanh vẫn xảy ra do không thể giám sát được hoạt động của các khu xử lý chất thải.
Hay tại Hà Nội hiện có 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, song có tới 19 cụm chưa có dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. Trong số 24 cụm đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải thì có tới 4 trạm đã lạc hậu không đảm bảo công suất, chất lượng, 5 trạm xây dựng xong nhưng chưa đưa vào hoạt động. Thậm chí, có cụm xây trạm xử lý nước thải từ 10 năm nay nhưng không một ngày hoạt động.
An An (T/h)