Chủ động bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Hoàng Anh|29/11/2022 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù có đóng góp rất lớn, có ý nghĩa sống còn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội toàn vùng, các dòng sông thuộc LVHTS Đồng Nai vẫn đối mặt với tình trạng ô nhiễm và suy thoái do chưa được bảo vệ đúng mức trước tình trạng xả thải công nghiệp và từ các khu dân cư đô thị. Bị khai thác quá mức nhưng lại chưa có biện pháp quản lý hiệu quả, một số dòng sông đang có nguy cơ bị “bức tử”…

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực lớn nhất lớn của cả nước, chảy qua 11 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm có 4 sông chính gồm: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải và Vàm Cỏ.

Với trữ lượng dồi dào, đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 17 triệu người; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, phát triển thủy điện, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, du lịch sông nước cho vùng lãnh thổ rộng lớn hàng triệu héc-ta. Tổng lượng dòng chảy bề mặt của các sông khoảng 36 tỷ mét khối.

song-dong-nai.jpg
Ảnh minh họa

Phần thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai thuộc các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước. Trên địa phận tỉnh Bình Phước, sông Đồng Nai chảy qua huyện Bù Đăng và có sông Bé, một trong những nhánh sông lớn của hệ thống sông Đồng Nai. Giá trị kinh tế lớn nhất của sông Bé là thủy điện, thủy lợi và thủy sản. Khai thác tiềm năng này, công trình thủy điện Thác Mơ được xây dựng trên thượng nguồn sông Bé, thuộc địa phận thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Nhiệm vụ chủ yếu của công trình thủy điện Thác Mơ là cung cấp điện cho hệ thống điện miền nam giai đoạn 1995-2000 và đã được hòa vào lưới điện quốc gia với điện lượng trung bình hằng năm khoảng 600 triệu kW giờ. Ngoài ra, chế độ điều tiết của Nhà máy thủy điện Thác Mơ còn tạo nguồn nước cho tưới tiêu và sinh hoạt đối với khu vực hạ du sông Bé – Phước Hòa – TP Hồ Chí Minh, với lưu lượng mùa khô 56 m3/giây. Năm 2000, trên dòng sông Bé đoạn chảy qua thị trấn Thanh Bình (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) tiếp tục xây dựng công trình thủy điện Cần Đơn. Ngày 1-1-2004, nhà máy thủy điện vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia qua hai tổ máy với tổng công suất 77,6 MW, bình quân mỗi năm sản xuất 294,4 triệu kW giờ. Năm 2006, trên sông Bé tiếp tục có thêm Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng (địa phận huyện Phú Riềng) với công suất 51 MW.

Nhưng nói về giá trị thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai, đáng kể nhất là Nhà máy thủy điện Trị An tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Khánh thành từ năm 1991, đây vẫn là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực phía nam với khả năng cung ứng sản lượng điện trung bình hằng năm 1,76 tỷ kW giờ. Thủy điện Trị An đưa vào vận hành từ khi đất nước đổi mới kinh tế, có ý nghĩa rất quan trọng bảo đảm năng lượng cho 16 tỉnh, thành phố khu vực phía nam; cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cho hơn 5 triệu dân; tưới cho hơn 20 nghìn héc-ta đất khu vực hạ lưu.

Từ nguồn nước tưới tiêu dồi dào, trên lưu vực những con sông thuộc LVHTS Đồng Nai hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước như: cao-su, cà-phê, điều, tiêu… Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, mỗi năm mang về hàng tỷ đô-la cho đất nước. Ngoài ra, LVHTS Đồng Nai còn có những vùng chuyên canh trồng cây ăn trái như quýt đường, sầu riêng, bưởi, măng cụt… Đây là những loại trái cây “nức tiếng” của các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như cả nước. Với lợi thế về địa hình, khí hậu, nguồn nước, các địa phương thuộc LVHTS Đồng Nai có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái được người dân và doanh nghiệp khai thác.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Đồng Nai, kết quả quan trắc chất lượng nước đầu mùa mưa (các đợt 1, 2, 3, 4 năm 2022) tại sông Đồng Nai cho thấy, nước mặt tại khu vực cấp nước sinh hoạt cơ bản đạt; chỉ 1 - 2 thông số chưa đạt. Riêng chất lượng nước mặt tại các khu vực nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai đều có các thông số vượt quy chuẩn, nguyên nhân do trong quá trình nuôi thủy sản phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, mật độ lồng bè quá dày, vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.

Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt trên hệ thống sông Đồng Nai. Cụ thể, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép cũng gây ra nhiều hệ lụy là diện tích đất ven sông bị sạt lở nghiêm trọng, nguồn tài nguyên cát từ sông Đồng Nai được cho là có chất lượng tốt nhất ở khu vực phía nam cũng bị đánh cắp và gây ô nhiễm môi trường từ quá trình khai thác.

Mặt khác, sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, đơn vị trong công tác quản lý tài nguyên nước, dẫn đến chưa có chương trình giám sát toàn diện và đồng bộ, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả quản lý không cao, gây lãng phí thời gian và tài chính, gây bất lợi cho đối tượng sử dụng nước, đặc biệt khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có sự cố môi trường nước xảy ra.

Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, hiện tỉnh Đồng Nai đang triển khai các dự án nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Trong đó phải kể tới dự án ứng phó sự cố môi trường về tràn dầu và hóa chất độc hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại, chất thải y tế; thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị; quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực quan trắc môi trường...

Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; triển khai các biện pháp, công cụ kinh tế để từng bước ngăn chặn, tiến tới hạn chế dần tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thực hiện thu thuế và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình cung cấp và sử dụng nước, khai thác nước dưới đất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; đề xuất giải pháp ngưng khai thác nước dưới đất đối với khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung; tổ chức thực hiện dự án lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo đề cương đã phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo quản lý vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, hợp tác với các tỉnh và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai triển khai các giải pháp để bảo vệ nguồn nước mặt giai đoạn 2021 - 2025, đó là bảo vệ nguồn nước gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ xử lý nước thải; kiểm soát chặt tại nguồn nước thải.

Theo ông Ðặng Minh Ðức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Nai, để giữ cho hệ thống sông Đồng Nai không ô nhiễm, các địa phương trong lưu vực sông Ðồng Nai cần tăng cường các hình thức trao đổi thông tin, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là địa bàn giáp ranh để ngăn chặn các vụ xả thải gây ô nhiễm cho hệ thống sông Đồng Nai. Tại mỗi tỉnh giáp ranh, cần đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để chủ động kiểm soát nguồn xả thải và chất lượng nguồn nước...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai