Trong giai đoạn thời tiết nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng làm dấy lên nỗi lo “dịch chồng dịch”.
Dịch Covid-19 và sốt xuất huyết đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus. Bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, chủ yếu lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, tiếp xúc gần… Còn sốt xuất huyết do 1 trong 4 chủng virus dengue gây ra, chủ yếu lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi loài Aedes bị nhiễm bệnh.
Phun hóa chất chủ động phòng, chống sốt xuất huyết
Cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như: Đau nhức xương khớp; Sốt; Ớn lạnh; Đau đầu…
Tuy nhiên sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện: Da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Ngoài ra còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: Chảy máu cam, chảy máu chân răng…
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận tích lũy hơn 25.000 trường hợp sốt xuất huyết và có xu hướng gia tăng mùa cuối năm.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để tránh chồng chéo dịch bệnh, vừa phòng dịch Covid-19 vừa phòng sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông;
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
Hoàng Hoa