Chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ bất thường

Phúc Minh|22/03/2024 18:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm sẽ xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường. Trong số những thiên tai dị thường, lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm.

Theo ghi nhận, năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu tác động mạnh của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Năm 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam. Nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ ở Bắc Trung Bộ.

Mặc dù các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền nhưng các đợt mưa, lũ lớn diện rộng gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và dông lốc, gió mạnh trên biển đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

thien-tai-di-thuong.jpg
Ảnh minh họa

Dự báo về diễn biến khí tượng thủy văn năm 2024, ông Cường cho biết, từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3/2024, nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Trong số những thiên tai dị thường, lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, do vậy các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Đánh giá công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian qua, GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam cho rằng các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên đối với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo, hiện trạng dự báo đối với loại thiên tai này đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình.

Chính vì vậy, theo GS.TS Trần Thục, cùng với việc tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.

Đánh giá cao vai trò của thông tin dự báo, cảnh báo tác động, ông Trần Sĩ Pha - Trưởng Ban Công tác xã hội - Quản lý thảm hoạ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị Tổng cục KTTV tăng cường thêm các dịch vụ tác động, các thông tin dự báo, cảnh báo tác động, đồng thời hỗ trợ Hội về mặt thông tin và kiến thức để Hội có thể lan tỏa những thông tin này đến nhiều người hơn. Trên cơ sở các thông tin dự báo, cảnh báo tác động, Hội sẽ đưa ra các hành động sớm để giúp cộng đồng giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Theo ông Trần Sĩ Pha, các cơ quan nghiên cứu có nhiều giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số để triển khai công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, do vậy, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn được kết nối với các cơ quan này để đưa các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp cận đến nhiều người hơn, góp phần đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản trước thiên tai.

Theo ông Hoàng Đức Cường, thời gian qua Tổng cục Khí tượng thủy văn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, tin cậy diễn biến thiên tai nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, tiến tới dự báo tác động của thiên tai.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã áp dụng đa dạng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân khu vực bị ảnh hưởng. Chủ động giám sát, đánh giá và giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra; xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai…

Theo ông Hoàng Đức Cường, trước dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường, để thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, Tổng cục Khí tượng thủy văn xác định cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, thủy văn, hải văn; cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước; cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm cho các cơ quan theo quy định.

Tổng cục cũng sẽ chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai tại các đơn vị, đặc biệt tại các trạm khí tượng thuỷ văn vùng núi và hải đảo, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ… Đảm bảo an toàn về người, phương tiện, thiết bị, máy móc và công trình nhà cửa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và kịp thời khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.

"Mọi hoạt động phòng, chống thiên tai phải bảo đảm toàn diện, tuyệt đối các yêu cầu về mục tiêu, nội dung công việc theo Khẩu hiệu hành động của Ngành Khí tượng thủy văn: Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời", ông Hoàng Đức Cường khẳng định.

Bài liên quan
  • Công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030
    Phạm vi của Quy hoạch bao gồm toàn bộ phần diện tích đất liền và các huyện đảo có đông dân cư, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng như: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Đây là Quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên được lập trên phạm vi không gian toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ bất thường