Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền báo chí cách mạng Việt Nam

Hoàng Minh|21/06/2024 09:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước nhà (21/6/1925). Người hiểu sâu sắc hoạt động báo chí, coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng. Những tư tưởng của Người về nghề báo dù đã quá nửa thế kỷ, nhưng đến nay vẫn nguyên giá trị mà bất kỳ người làm báo nào cũng cần lấy đó làm cẩm nang cho mình.

Người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”. Khi ở Trung Quốc, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1/6/1925) - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 21 tháng 6 năm 1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ một người yêu nước chân chính, Bác sớm tìm gặp chủ nghĩa Mác-Lênin và nhờ vậy sớm thấm nhuần tư tưởng Lênin về vị trí, vai trò, chức năng của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh. Theo lời dạy của Lênin “tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò”. Dưới ách áp bức của thực dân Pháp, ở Việt Nam một nước thuộc địa, người dân là người nô lệ, nói gì đến tự do ngôn luận, báo chí! Luật kiểm duyệt gắt gao, mật thám săn lùng đến lúc người Việt Nam nào “có những tờ báo hoặc tạp chí tư tưởng tiến bộ một chút, hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng. Điều ấy đã đủ nói lên rằng, đối với người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đồng thời là người chiến sĩ cách mạng trung kiên gan góc. Làm báo, không phải là hoạt động nghề nghiệp thuần túy, đối với Bác Hồ, sự nghiệp báo chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng.

Mặc dù bận rất nhiều công việc của một vị Chủ tịch nước, nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và Nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Người luôn lấy báo chí là vũ khí tiến công kẻ thù và là một phương tiện hoạt động có hiệu quả để xây dựng phong trào cách mạng.

2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam

Bài học giá trị cho ngày hôm nay

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển với thế và lực mới. Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 99 năm qua, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt: Tăng loại hình, số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức; tăng phạm vi phát hành, phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và số công chúng của báo chí trong và ngoài nước; tăng nguồn lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ hiện đại… Các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, nhận thức xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội cũng như những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.

Trong bối cảnh hiện nay, thời cơ đan xen thách thức, giới báo chí và các cấp luôn khắc cốt ghi tâm thực hiện tốt những lời dạy của Người, cán bộ báo chí phải có ý chí tự lập, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, làm tròn nhiệm vụ. Đại hội XII (2016) và Đại hội XIII (2021) của Đảng đều chỉ rõ: Các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Do vậy, hơn lúc nào hết, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí cách mạng theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do dân chủ của Nhân dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan, báo chí, các cấp hội nhà báo. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng - văn hóa của Đảng. Học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nhưng người làm báo không chỉ học Người về cách viết, cách dùng từ, lối tư duy làm báo mà còn học cả tinh thần lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Với tinh thần lạc quan, những người đang và sẽ chọn nghề báo sẽ có thêm sự tin tưởng và động lực để cống hiến, làm tròn nhiệm vụ của mình trong sự phát triển đổi mới của đất nước.

Tuy vậy, công tác báo chí ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập…”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền báo chí cách mạng Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.