Chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022, Thủ tướng chỉ rõ 33 nhiệm vụ trong nhóm giải pháp

Minh Sơn|30/11/2022 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc triển khai thực hiện thành công 33 nhiệm vụ thuộc 5 nhóm nhiệm vụ khi triển khai Nghị quyết số 06 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, không thể thiếu vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong toàn xã hội đối với nhận thức đúng đắn về đô thị. Mọi thành công đều bắt đầu từ tư duy, nhận thức đúng đắn.

30-ttg-hn1.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022.

Chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 diễn ra sáng nay, ngày 30/11, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt chương trình hành động, nhất là trong bối cảnh đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế.

Đồng chủ trì hội nghị còn có Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Hội nghị diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các đô thị tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại các địa phương, các chuyên gia, đối tác quốc tế.

Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị với chủ đề về “Phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị” là sự kiện quan trọng để cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị vào cuộc sống.

Nghị quyết số 06 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với 05 nhóm quan điểm và 06 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết, tạo khí thế và động lực trong toàn hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức trong tháng chào mừng ngày Đô thị Việt Nam 8/11, cũng là ngày Đô thị hóa Thế giới là dịp để nhìn lại quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian vừa qua, rút ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và cùng thống nhất những giải pháp, cách thức chung để thúc đẩy sự phát triển đô thị nước nhà vững mạnh hơn, bền vững hơn với mục tiêu: Tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 và hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hội nghị cũng kỳ vọng sẽ tạo có chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt chương trình hành động, nhất là trong bối cảnh đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế.

30-ttg-hn2.jpg
Hội nghị diễn ra dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu chương trình hành động xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về Hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.

Trong đó tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị năm 2025 và khoảng 1.000-1.200 đô thị năm 2030. Đến năm 2025 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030.

Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 năm 2025 và 32 m2 năm 2030. Kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và khoảng 85% năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.

Về các nhiệm vụ chủ yếu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 06. Trong đó nhiệm vụ chủ yếu là thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 33 nhiệm vụ cụ thể theo 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Đánh giá về chương trình hành động của Chính phủ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuần Anh nhận định, qua sơ bộ đánh giá cho thấy chương trình hành động 148 đã bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 06 với 33 nhóm nhiệm vụ cụ thể tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng quy hoạch để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đô thị, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, liên kết và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như xây dựng các đề án chuyên ngành để tổ chức thực hiện. Ban Kinh tế Trung ương cho rằng chương trình hành động 148 đã được xây dựng với cách tiếp cận rất cụ thể sáng tạo và tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện cũng như công tác kiểm tra, giám sát sơ kết, tổng kết Nghị quyết 06.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, xây dựng, nhiều ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đưa ra các đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi.

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch và phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, chương trình, dự án phát triển đô thị. Ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển, cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương và có sự tham gia xuyên suốt, hiệu quả của các bên trong việc nhận diện, giải quyết các vấn đề đô thị, đặc biệt là các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả, phát triển bao trùm và hoà nhập không gian xã hội. Đây nên được coi là nguyên tắc, nền tảng dẫn hướng cho việc soạn thảo, sửa đổi các Luật có liên quan trong giai đoạn sắp tới.

30-ttg-hn.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 5 nhóm giải pháp về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích rõ về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của đô thị, các chủ trương, chính sách về phát triển đô thị và chỉ rõ những kết quả nổi bật và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Để hiện thực hóa những mục tiêu nghị quyết 06, Thủ tướng nêu rõ, cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó, việc nào phải xong việc đó; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên; thống nhất nhận thức và hành động; có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung. Quan điểm chỉ đạo chung là phải thống nhất nhận thức trên cả nước, nhất là tại các địa phương và cơ quan có liên quan về đặc trưng, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đô thị - là nền tảng quan trọng để thống nhất hành động. Chỉ có đổi mới tư duy, quán triệt tư duy rõ ràng về đô thị mới có thể có niềm tin, trách nhiệm và hành động nhất quán để hướng đến thành quả mong đợi.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng cần nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị. Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị và quản lý phát triển sau này, vì vậy các đô thị cần đảm bảo có thể kiểm soát sử dụng hiệu quả công cụ này thông qua kế hoạch, chương trình phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu theo yêu cầu đề ra.

Về nhóm nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, Thủ tướng nêu rõ, đây là nhóm nhiệm vụ tháo gỡ các nút thắt về thiếu hụt hạ tầng trong đô thị hiện nay và mở ra cơ hội để tạo nguồn lực phát triển đô thị. Vì vậy, cần kiến tạo nguồn lực mới từ chính đô thị, bằng cách cải tạo, tái thiết cơ sở hạ tầng tạo nên các giá trị đổi mới và cơ hội mới cho cả người dân và chính quyền. Với nhiệm vụ này, các địa phương cần phải xuất phát từ thực tiễn, tổng hợp, rà soát nhu cầu để xây dựng Chương trình hành động của địa phương. Đồng thời cần quan tâm đến một số chương trình trọng tâm được nhấn mạnh trong Nghị quyết như: chương trình nâng cấp, cải tạo, tái thiết đô thị...

Nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Vì phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngành cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung và mục tiêu chung.

Nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật. Theo Thủ tướng, để có thể thực hiện được tất cả các nhiệm vụ trên, vai trò xây dựng thể chế và cơ chế chính sách là vô cùng quan trọng, tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch trong các phương thức thực hiện, dễ dàng hợp tác đối tác trong phát triển đô thị. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sớm hoàn thiện các Luật Đất đai, Luật điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị…

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phải tích cực hướng dẫn, chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng chương trình hành động cụ thể của địa phương. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về đô thị nhằm tích hợp các nguồn lực, không để tình trạng phân tán, nhiều chương trình triển khai cùng lúc chồng chéo, hạn chế hiệu quả; đồng thời phối hợp kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.

Đối với các bộ ngành, Thủ tướng đề nghị chủ động xây dựng và giám sát các chỉ tiêu có liên quan đến phát triển đô thị; thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên để Chính phủ có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời; xem xét cơ chế, tạo điều kiện, hướng dẫn để làm sáng tỏ về nguồn lực thực hiện, hướng dẫn địa phương về bố trí, phân bổ nguồn lực để triển khai Chương trình hành động tại địa phương.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị trên cả nước, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương là chủ thể trực tiếp quản lý, tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết 06-NQ/TW và thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ. Sự thành công của Chương trình hành động này phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo trong đổi mới tư duy cấp địa phương. Do vậy, địa phương cần quán triệt Chương trình hành động của Chính phủ, bổ sung các chỉ tiêu vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy, xây dựng cơ chế thực hiện bám sát các chỉ tiêu và giám sát việc thực hiện.

Đối với các cơ quan truyền thông, báo chí, Thủ tướng cho biết, việc triển khai thực hiện thành công 33 nhiệm vụ thuộc 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp của Chương trình hành động của Chính phủ không thể thiếu vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong toàn xã hội đối với nhận thức đúng đắn về đô thị. Mọi thành công đều bắt đầu từ tư duy, nhận thức đúng đắn.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, các đô thị Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn, phát huy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022, Thủ tướng chỉ rõ 33 nhiệm vụ trong nhóm giải pháp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.