Chùa Cao Dân (Cà Mau) đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia

14/04/2018 08:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng 13/4, chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Chùa Cao Dân được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 11/10/2007. Là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer có truyền thống cách mạng lâu đời, là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến và cũng là điểm sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của người Kinh và Khmer quanh vùng.

Thừa uỷ quyền của Bộ VH,TT&DL, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cho Ban Quản trị chùa Cao Dân và lãnh đạo huyện Thới Bình

Ban Quản trị cùng các chư tăng, phật tử chùa Cao Dân gắn bó mật thiết với cách mạng; tại đây, có rất nhiều vị sư đã trưởng thành trong cách mạng, nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, tiêu biểu là Cố Đại đức Hữu Nhem, người từng trụ trì chùa Cao Dân, đã viên tịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ, tích cực vận động các nhà sư, Ban Quản trị các chùa và đông đảo đồng bào dân tộc Kinh – Hoa – Khmer ở địa phương tham gia kháng chiến.

Với ý nghĩa lịch sử đã ghi dấu và lưu lại, chùa Cao Dân được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và tổ chức lễ công bố quyết định đúng vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Ban Quản trị chùa nói riêng và của bà con đồng bào dân tộc Khmer cùng chính quyền và Nhân dân trong tỉnh nói chung.

Có mặt tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đề nghị Sở VH,TT&DL, UBND huyện Thới Bình phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ gắn với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, để nơi đây xứng đáng với địa điểm được xếp hạng di tích quốc gia. Đồng thời mong rằng, Ban Quản trị chùa và các vị chư tăng, phật tử, đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh hãy ra sức gìn giữ, bảo vệ phát huy, để di tích này luôn là biểu tượng cho khối đại đoàn kết dân tộc, là điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá cộng đồng, tạo niềm tin vững chắc trong lòng bà con đồng bào dân tộc, tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới.

Nhân Mã (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Cao Dân (Cà Mau) đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia