Phát biểu khai mạc, PGS,TS Đặng Thị Thu Hương cho biết hội thảo là sự kiện khoa học thường niên trong khuôn khổ “Diễn đàn báo chí tháng 6” do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức, với mục tiêu tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.
“Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo đó, việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.
PGS,TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Sự phát triển của báo chí, truyền thông số là một trong những chủ đề chính yếu mà Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động kết nối cộng đồng – bà Hương cho hay.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh của CMCN 4.0 hiện nay, báo chí phải chủ động chuyển đổi số là tất yếu. Điều này đòi hỏi sự chủ động của tất cả các cơ quan báo chí và phải kết hợp 3 yếu tố: Công nghệ, Công cụ và Công chúng.
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Chiến lược về chuyển đổi số Báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Nhà báo Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết, hiện vẫn tồn tại một thực tế ở nhiều cơ quan báo chí là vấn đề đầu tư vào công nghệ để chuyển đổi số, song công nghệ mặc dù không thể thiếu nhưng cũng chỉ là phương tiện, vấn đề quyết định của chuyển đổi số báo chí vẫn phải là con người.
Trong thời đại Internet, các nhà báo phải thay đổi tư duy, cách làm của mình vì độc giả ở đâu thì báo chí ở đó. Báo chí trong thời đại số phải phát huy được các tiềm năng xã hội từ sự tương tác của chính mình với độc giả. Hiện có 2 xu thế trong xã hội ở nhiều quốc gia là báo chí phải công nghệ hoá (Media Tech) và các chủ thể về công nghệ cũng đầu tư gia tăng cho truyền thông (Tech Media). Vì thế, báo chí tất yếu phải cạnh tranh khốc liệt không chỉ với mạng xã hội mà với cả các chủ thể công nghệ trong truyền thông.
Thêm một thực tế nữa là chính các cơ quan báo chí cũng cần phải chủ động ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc sản xuất tin bài. Đơn cử như trong các sự kiện thể thao, nếu báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì sẽ tự động sản xuất các bản tin tổng hợp một cách nhanh nhất.
Nhà báo Nguyễn Lê Tân – Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now nói rằng chuyển đổi số không phải là bức tranh màu hồng với báo chí. Chuyển đổi số càng không phải là vung tiền đầu tư những hệ thống công nghệ đồ sộ rồi hô hoán lên là chúng tôi đã thành công. Dứt khoát, chuyển đổi số không thể là những báo cáo nhằng nhịt với kết quả tô điểm bằng trăm view, nghìn like, triệu sub…
Nhà báo Vũ Hải Quang – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, chuyển đổi số trong báo chí thì gồm 3 trụ cột là quản trị nội bộ, quản trị nội dung và phân phối nội dung trên đa nền tảng.
Những điều kiện để chuyển đổi số báo chí là hạ tầng kỹ thuật, tài chính và con người. Tổng hợp cả 3 điều kiện này là khó khăn lớn với nhiều cơ quan báo chí.
Vì vậy, nhiều đơn vị e dè, sợ tốn kém, sợ đi sai hướng trong chuyển đổi số. Nhưng những phân tích cho thấy, để chuyển đổi số, đầu tiên là thay đổi về nhận thức.
Thay mặt nhóm nghiên cứu về chiến lược chuyển đối số báo chí của một số nhà báo, nhà báo Nguyễn Bá – Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông cho biết, báo chí không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Không chỉ cần xem chuyển đổi số báo chí là hoạt động của một trong những ngành quan trọng trong hệ thống nền kinh tế quốc dân, mà phải nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa và xã hội.
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đối số báo chí nói riêng là chương trình hành động mới và khó, thậm chí là rất khó và rất mới. Do lĩnh vực truyền thông mới luôn biến động không ngừng, để việc xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý bắt nhịp với thực tiễn nên áp dụng cách tiếp cận “Sandbox”: “Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá đi cái cũ”.
Hoạt động chuyển đổi số báo chí sẽ thiếu cơ sở khoa học và xa rời thực tiễn, thậm chí chỉ mang tính “hình thức, hô hào” nếu như không có một hệ thống sở cứ xác thực nhằm xác định tính hiệu quả của chuyển đổi số của từng cơ quan báo chí và cả hệ thống báo chí đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện để từ đó ban hành những định hướng, chính sách phù hợp. Ở góc độ này, bộ chỉ số chuyển đổi số báo chí sẽ là “chỉ dấu” quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện?
Khép lại hội thảo, ban tổ chức và các nhà báo cùng sinh viên ngành báo chí tham dự đều thấy được thực tiễn của chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam là tất yếu. Và vấn đề này phải là bước đi song hành với kinh tế báo chí trong bối cảnh mà tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí ở Việt Nam vừa phải hoạt động một cách tự chủ vừa phải giữ gìn bản sắc, tôn chỉ mục đích riêng.
Giang Anh