Chuyện nghề giúp “tử thi lên tiếng” của người phụ nữ bản lĩnh

Hoàng Bằng|05/08/2023 21:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nghề pháp y được xem là nghề "độc quyền" của đàn ông. Tuy nhiên, vượt qua mọi rào cản, chị Hoàng Thị Liễu (1981) vẫn luôn đam mê và gắn bó với nghề hơn 10 năm nay.

Bản lĩnh trước mọi hoàn cảnh

Được ví như "nghề rùng rợn và sợ hãi nhất trong mọi nghề", hơn 10 năm làm việc, chị Liễu đã xử lý không biết bao nhiêu tử thi: “Có những ca đã tử vong nhiều ngày, da thịt bị phân hủy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc trong phòng và còn lan sang các phòng khác khiến ngay cả những nhân viên làm việc tại Trung tâm còn phải ám ảnh, kinh sợ”. Hay có những vụ tai nạn hình dạng người không còn nguyên vẹn, toàn đất cát lộn xộn nhưng chính những nhân viên pháp y như chị là người phải đến hiện trường và thu thập từng bộ phận cơ thể về Trung tâm để khám nghiệm.

anh-1.jpg
Dù vất vả, các cán bộ của Trung tâm pháp y luôn hết mình vì công việc "đặc biệt". (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với phóng viên, nhiều hôm thay bỏ quần áo bảo hộ, chị vẫn thấy mùi bám vào người, thậm chí còn bị giòi từ thi thể chui ra cắn. “Có những con giòi to như ‘ngón tay cái’, bò ra nhung nhúc nhưng làm nhiều rồi thì tôi cũng không sợ nó nữa”.

Chị tâm sự thêm: “Nghề này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do đặc thù công việc, tôi thường phải đi trực đêm hay có vụ án đột xuất thì phải lập tức đến Trung tâm. Vừa thiếu trang thiết bị chuyên dụng, phải tác nghiệp ngay cả những nơi bụi bặm như đường cái, mà còn chưa có nhiều chế độ đãi ngộ tốt. Chắc có lẽ, đó là lý do nghề này rất ít người theo đuổi, thậm chí khi chưa kịp vào nghề đã ‘bỏ của chạy lấy người”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về áp lực của người phụ nữ trong ngành, chị khẳng định chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của mình. Dù nghề mổ tử thi vất vả, nguy hiểm nhưng may mắn được gia đình và chồng ủng hộ, người phụ nữ “đặc biệt” ấy vẫn cố gắng vững tin bước tiếp.

Người thầm lặng “vén màn” sự thật

Trò chuyện với phóng viên, chị Liễu bày tỏ làm nghề không chỉ vì kiếm thu nhập cho bản thân và gia đình, mà quan trọng còn là vì con người. Phía sau cái chết là nhiều nỗi đau, tội ác, danh dự... bị che giấu. Do đó, công việc của chị không chỉ là thăm khám mà còn đóng vai trò là “bác sĩ điều tra”.

Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi vụ án được sáng tỏ là sự nhọc nhằn, nguy hiểm mà mỗi giám định viên pháp y phải trải qua: “Trong quá trình làm nghề, chứng kiến nhiều vụ tai nạn khác nhau, có nhiều cái chết thương tâm mình không thể đoán trước được. Tôi nhớ mãi vụ án ở Thường Tín, hai cháu bé khi đang chơi ngoài sân thì bất ngờ bị xe tải đâm tử vong. Thương hai bạn vô cùng”.

anh-2.jpg
Chị Liễu (mặc áo dài vàng) cùng các đồng nghiệp chụp ảnh trong lễ tổng kết công tác giám định pháp y năm 2018. (Ảnh: NVCC)

Đối với chị Hoàng Thị Liễu, những năm tháng làm nghề “giúp tử thi lên tiếng” có thể vất vả, mùi tử thi ám vào người đến hai ba ngày không bay hết là chuyện bình thường. Đó là một thực tế mà ai làm nghề pháp y cũng biết nhưng không dám nói ra, nhất là đối với những người thân của mình. Thế nhưng, nếu được lựa chọn lại, người phụ nữ ấy vẫn sẵn sàng theo đuổi nghề mà nhiều người hay ngay cả đàn ông cũng không dám làm.

“Mỗi lần gặp mặt bạn bè, ai cũng bảo tôi sao con gái lại chọn nghề đáng sợ này. Nhưng với tôi, đó là niềm đam mê. Những người nhỏ bé nhưng luôn làm 200% sức lực của mình để 'vén màn' sự thật đằng sau. Công việc tuy vất vả, áp lực nhưng nó đã trở thành thói quen, không dứt ra được”, chị Liễu tự hào nói.

Dẫu khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ chị Liễu có ý định từ bỏ. Với người khác, khám nghiệm tử thi là đáng sợ nhưng với chị, chỉ cần có đam mê là có thể biến điều “phi thường” ấy trở nên bình dị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nghề giúp “tử thi lên tiếng” của người phụ nữ bản lĩnh