(Moitruong.net.vn) – Sinh ra và lớn lên nơi chảo lửa túi mưa Hà Tĩnh, hàng năm chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lại là một giáo viên giảng dạy bộ môn hóa học, cô giáo Nguyễn Thị Hiếu – giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng (tỉnh Hà Tĩnh) đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu và truyền thụ kiến thức cho học sinh trong các hoạt động Biến đổi khí hậu – Bảo vệ môi trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu (đứng giữa, áo dài hoa xanh) nhận giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2017
Trong suốt chặng đường dạy học, cô Nguyễn Thị Hiếu luôn tâm niệm một điều là làm sao để có thể đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong việc chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, làm sao cho môi trường ngày càng trong sạch hơn, xã hội ngày càng văn minh hiện đại. Trên cương vị là một giáo viên hóa học, cô giáo Nguyễn Thị Hiếu nhận thấy giáo dục về môi trường sống, về ứng phó với biến đổi khí hậu là một việc làm thiết thực, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh là chủ nhân tương lai của đất nước.
Chính vì vậy, thông qua công tác giảng dạy, cô Hiếu đã rất sáng tạo trong việc lồng ghép kiến thức chuyên môn và tổ chức thực hiện thành công chuyên đề ngoại khóa cho học sinh toàn trường với nội dung “Hóa học với môi trường”. Đầu năm 2017, cô Hiếu đã tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu hiểu “Hóa học với môi trường và biến đổi khí hậu” thu hút đông đảo học sinh toàn trường tham gia.
Những cống hiến của cô Nguyễn Thị Hiếu đã được ghi nhận khi liên tục đạt các giải cao về chuyên môn như: Đạt giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp”. Có sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 4 xuất sắc cấp ngành giáo dục và được gửi xét SKKN cấp tỉnh, hiện đang chờ kết quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu tham gia triển lãm Phụ nữ và sáng tạo năm 2017
Bên cạnh những giải thưởng về chuyên môn, với những đóng góp trong việc bảo vệ môi trường, tích cực chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2017 cô Hiếu vinh dự được nhận giải thưởng “Phụ nữ sáng tạo năm 2017” của TW Hội LHPNVN. Đặc biệt hơn, cũng trong tháng 10 này cô Hiếu là một trong 2 cá nhân duy nhất được Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường tặng bằng khen “Có sản phẩm sáng tạo góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng và phát triển ngành Tài nguyên Môi trường”.
Gặp cô giáo vào 1 chiều thu, khi cô vừa đi nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT về, trong bộ áo dài màu tím trông cô thật tươi trẻ và toát lên sự dịu dàng đằm thắm nhưng không kém phần mạnh mẽ của một cô giáo dạy hóa nhưng tâm huyết với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Trao đổi với PV moitruong.net.vn cô tâm sự: “Là một người con của quê hương Hà Tĩnh tôi thấu hiểu một cách sâu sắc nhất những hậu quả, hệ lụy của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đem lại. Vì vậy việc giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu cho học sinh là hết sức cần thiết. Là một giáo viên dạy hóa học tôi luôn trăn trở làm sao để đưa các kiến thức đó đến với học sinh, giúp các em biết được bản chất của các quá trình xảy ra, giải thích nguyên nhân của các quá trình ô nhiễm, nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. Từ sự hiểu biết đó giúp các em hình thành ý thức trách nhiệm và chuyển thành hành động cụ thể. Ngoài ra các em là những tuyên truyền viên tích cực có sức lan tỏa tới cộng đồng”.
Những tiết giảng tạo sự hứng khởi cho học sinh
Đó chính là lí do thôi thúc tôi đến với ý tưởng sáng tạo: “Giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động giáo dục khác nhau” nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh về nguyên nhân, thực trạng, hậu quả và giải pháp chống biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng giáo dục môi trường, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thay đổi hành vi, lối sống theo hướng thân thiện với môi trường”.
Trước những tâm huyết của cô giáo trẻ, Phóng viên đã đặt ra vấn đề rằng nếu đưa các nội dung này vào lồng ghép giảng dạy theo cách truyền thống học sinh tiếp thu một cách thụ động, hiệu quả thấp, quy mô nhỏ (chỉ trong phạm vi của trường PTTH nơi cô giảng dạy), vậy cô giáo có cách nào để lan tỏa được ra rộng hơn hay không? Nên nghiên cứu tìm tòi đổi mới và tính sáng tạo ở chỗ nào? Cô Hiếu trả lời:
“Tôi cũng đang rất trăn trở vấn đề này nên đã có suy nghĩ cần thực hiện 5 vấn đề sau: Thứ nhất, là cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở giáo dục, Phòng giáo dục và giữa các nhà trường để sân khấu hóa các hoạt động giáo dục. Chuyển các nội dung cần truyền tải thành các vở kịch để cho học sinh luyện tập và biểu diễn. đó là một giải pháp tích cực đem lại hiêu quả cao, truyền thụ kiến thức nhẹ nhàng, sâu sắc, ý nghĩa, dễ tiếp thu tạo sự say mê hứng thú cho các em. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và trí tuệ từ chổ giáo viên truyền thụ kiến thức sang biên kịch nghiệp dư. Công việc đó không cân, đong, đo đếm thành các tiết dạy mà là một quá trình làm việc đòi hỏi lòng nhiệt huyết và đam mê.
Thứ hai, tạo sân chơi trí tuệ cho HS như các trò chơi trên truyền hình qua đó HS thể hiện vốn hiểu biết của mình về vấn đề trên. Để hoạt động này được thành công đòi hỏi sự dày công biên soạn. Qua hoạt động chơi mà học này không chỉ giúp các thành viên đội chơi mà toàn thể học sinh tham gia được nâng cao kiến thức.
Thứ ba, tổ chức lao động dọn vệ sinh thường kì ở địa phương là một hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp học sinh nhận ra mối quan hệ gắn kết của mỗi cá nhân với cộng đồng, mảnh đất nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, hoạt động này giúp các em tự nhận thức được việc bảo vệ môi trường bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, qua đó góp phần tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chung tay bảo vệ môi trường quê hương xanh – sạch – đẹp.
Cô trò với những tiết học ngoại khóa
Thứ tư dạy học nội dung trên theo chủ đề tích hợp là một giải pháp mới phù hợp, giúp hệ thống hóa kiến thức, tích hợp kiến thức của các môn giáo dục công dân, địa lí, sinh học vào chủ đề dạy học.
Thứ năm tổ chức cuộc thi tìm hiểu” hóa học với môi trường và biến đổi khí hậu” là một hình thức nâng cao kiến thức một cách sâu rộng qua việc nghiên cứu tìm tòi các vấn đề về môi trường để trả lời các câu hỏi của bài thi bằng bài viết tay từ đó giáo dục các em học sinh hình thành ý thức, trách nhiệm và thói quen bảo vệ môi trường. Tuy nhiên giải pháp này đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và công sức biên soạn nội dung và chấm bài”.
Với những đổi mới và sáng tạo đó đã đem lại hiệu quả cao trong giáo dục môi trường và rèn luyện kỹ năng cho học sinh trường THPH Phan Đình Phùng được ghi nhận và đánh giá cao. Trong thời gian tới cô Hiếu đang có dự định xin phép các cấp quản lí triển khai nội dung này ở quy mô lớn hơn cho học sinh các trường THPT trên toàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm góp sức mình vào công tác truyền thông cho chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Với những ý tưởng rất hay và có ích cho xã hội như thế này, rất mong cô sẽ nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể để cô sớm hoàn thành tâm huyết.
Ngọc Trâm