Con Trâu trong văn hóa – Tín ngưỡng người Việt

Ngô Thế Lâm|12/02/2021 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không rõ con trâu xuất hiện từ bao giờ, nhưng theo nhiều tư liệu sử sách, cách nay khoảng 5000 – 6000 năm, con vật này bắt đầu được thuần phục, nuôi dưỡng và song hành cùng nền nông nghiệp lúa nước. Con trâu chứng minh được vị trí quan trọng của mình bằng việc đứng đầu trong 6 con vật khoe công trạng trong “Lục súc tranh công” (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn).

Có thể nói, con trâu là biểu trưng cho phẩm chất cần cù, chăm chỉ, chịu khó trong lao động. Gắn bó thuỷ chung với người nông dân, trâu cho sức kéo, sức cày bền bỉ qua những vụ mùa không quản ngại cực nhọc. Cũng từ đấy, con vật này trở thành một phần trong nét sinh hoạt văn hoá đồng quê bình dị, mộc mạc bằng hình ảnh những chú bé mục đồng cùng tuổi thơ “chăn trâu cắt cỏ”, vắt vẻo thổi sáo, thả diều, học bài trên lưng trâu, vui đùa với trâu, tắm cùng trâu… Hình ảnh ấy nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của “hồn làng” trong tâm thức người Việt.

Bước ra từ đồng ruộng, con trâu cũng đã đi vào hội hoạ với nhiều tác phẩm đặc sắc, dù là nét vẽ hiện thực hay trừu tượng cũng đều khắc hoạ một cách sống động, gần gũi, đặc biệt là dòng tranh Đồng Hồ, tiêu biểu như: “Cờ lau tập trận”, “Công việc nhà nông”, “Nghỉ ngơi sau buổi cày”. Nhưng có lẽ phổ biến và quen thuộc hơn cả đối với các gia đình nông dân người Việt là cặp tranh “Em bé chăn trâu thổi sáo” và “Em bé chăn trâu thả diều”. Con trâu cũng góp mặt trong hội hoạ hiện đại với nhiều tác phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến như “Chọi trâu” (Nguyễn Sáng), “Con Nghé” (Nguyễn Tư Nghiêm)… Đặc biệt, trong “Thập mục ngưu đồ” (mười bức tranh trâu) là mười bức hoạ độc đáo của phái thiền tông, mô tả con trâu và những chú mục đồng với thứ tự quá trình diễn biến tâm thức con người vận dụng sự hành thiền trong cuộc sống.

Với người Việt và trong văn hoá Việt xưa nay, con trâu đã trở thành một biểu tượng gần gũi, quen thuộc

Có lẽ, phong phú và sinh động hơn cả là sự hiện diện của con trâu trong kho tàng văn học dân gian. Ở đấy, con trâu đi vào ca dao, tục ngữ, thành ngữ như những đúc kết hàm súc về đường ăn nết ở, về thế thái nhân tình nhẹ nhàng mà tinh tế, sâu sắc. Là người Việt, mấy ai không thuộc nằm lòng bài ca dao thấm thía nghĩa tình này: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”; hay là bức tranh lao động đã trở thành biểu tượng thiết thân như một giá trị văn hoá vĩnh hằng của nông thôn Việt: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Và, với người dân nông nghiệp xưa, trâu chính là khối tài sản khổng lồ khi được ví là “đầu cơ nghiệp”; là thước đo hoặc gián tiếp nói đến sự giàu có của người xưa “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú ông xin đổi ba bò chín trâu” hoặc “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Con trâu còn gắn liền với bao lời răn dạy “Sai con toán, bán con trâu” (làm ăn không tính toán kỹ có thể bán cả cơ nghiệp); “Trâu chết để da, người chết để tiếng” (đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng nên cần giữ gìn cốt cách, phẩm hạnh). Đến những triết lý phê phán đầy ý nhị “Trâu buộc ghét trâu ăn/ Quan võ thì ghét quan văn dài quần” (sự gièm pha, ganh tỵ, ghen ghét người có tài năng, thành tích hoặc hưởng quyền lợi, được ưu ái hơn mình); “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” (những người trên, người có quyền thế tranh giành lợi ích với nhau thì những kẻ dưới, kẻ phụ thuộc bị vạ lây, thiệt lây); “Trâu chậm uống nước đục” (thất thiệt, thua kém do chậm trễ hơn người khác)…

Con trâu trong tín ngưỡng của người Việt

Có mặt và song hành suốt chiều dài văn hoá, hình ảnh con trâu từ lâu đã gắn bó bền vững với nhiều tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là tín ngưỡng nông nghiệp và các lễ hội dân gian hết sức độc đáo.

Ở nhiều địa phương miền Bắc và miền Trung nước ta, tục ăn tết trâu đã trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng có bề dày lịch sử. Tết trâu được tổ chức ngay sau Tết Nguyên Đán, trâu được tắm sạch sẽ, chuồng trại quét dọn tươm tất, chọn cỏ ngon rơm tốt để thưởng trâu ngày tết. Trâu được ăn cỗ, được nếm bánh chưng, xôi chè… Người ta còn chọn ngày tốt dắt trâu đi dạo vài vòng, ướm vai cày cho trâu để lấy may mắn đầu năm.

Ngoài ra, trâu còn gắn với các lễ hội lớn như chọi trâu, đâm trâu… Tiêu biểu nhất phải kể đến lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng): “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mồng mười tháng tám nhớ về chọi trâu”. Những con trâu khoẻ mạnh nhất được chọn và chọi với nhau, sau đó con thắng cuộc được đem giết để tế lễ dâng thành hoàng cầu mưa thuận gió hoà, sóng yên biển lặng, mùa biển mới thắng lợi. Bên cạnh đó, trâu còn là “vật hiến sinh” quen thuộc trong nghi lễ nông nghiệp, điển hình là “Lễ hội đâm trâu” tồn tại lâu đời ở vùng đất Tây Nguyên liên quan tới phong tục – tập quán, tín ngưỡng – tôn giáo của đồng bào người Thượng.

Tín ngưỡng thờ trâu cùng với nhiều lễ cúng tế như tục thờ Trâu Vàng (Đền Kim Ngưu, Tây Hồ, Hà Nội) hay vùng Bảy Núi (Thất Sơn) ở Nam Bộ cũng cho thấy sự trọng vọng của người dân, coi con trâu là giống vật có linh tính, biết làm những điều ân nghĩa nên là loài vật linh thiêng.

Bên cạnh những quan niệm về vị trí, ảnh hưởng của con trâu trong văn hoá – tín ngưỡng, dân gian còn xem xét dưới góc độ tử vi, ứng biểu tượng con trâu với số phận của con người. Theo đó, người cầm tinh con trâu (tuổi Sửu) ứng với sao Ngưu, là một ngôi sao sáng. Người tuổi Sửu sẽ sở hữu phẩm chất cần cù, chịu khó, không ba hoa khoác lác mà rất điềm tĩnh, khéo tay hay làm, cuối đời thường thịnh vượng, đạt được phú quý…

Đón năm Sửu, tản mạn một chút về con trâu để thêm một lần nữa khẳng định chỗ đứng vững chắc của con giáp này với tư cách là một biểu tượng văn hoá – tín ngưỡng truyền thống xứng đáng được giữ gìn và coi trọng của người Việt. Bởi, xuyên suốt chiều dài lịch sử, trâu luôn đồng hành như một người bạn thuỷ chung, tin cậy của con người, là kết tinh của những phẩm chất cao quý trong lao động mà con người mãi mãi coi trọng và hàm ơn.

Ngô Thế Lâm

Bài liên quan
  • Canh biển trời cho Tổ quốc vào Xuân
    Moitruong.net.vn – Sóng to gió lớn phải chuyển hàng quà Tết lên giàn bằng giây ròng rọc. Tàu Trường Sa 19 chỉ cách nhà giàn Phúc Nguyên 2 chừng hơn 100 mét, nhưng không bắt được tay nhau, cán bộ chiến sĩ trên giàn và đoàn công tác chỉ biết gửi lời chúc mừng năm mới qua bộ đàm và gửi nỗi nhớ niềm tin vào trập trùng sóng gió.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Con Trâu trong văn hóa – Tín ngưỡng người Việt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.