UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ biển 2 xã Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải.
Nhằm hạn chế thiệt hại do sự cố sạt lở bờ biển gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực đang bị sạt lở.
Cụ thể, tại thị xã Duyên Hải sẽ cắm biển báo, cảnh báo ở khu vực sạt lở và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thông báo người dân biết để chủ động phòng, tránh, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Từ đó chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo quy định. Địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân thị xã Duyên Hải theo dõi diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án ứng phó sự cố sạt lở; thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời. Cùng với đó, tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình xử lý sự cố sạt lở.
Ông Lê Quang Răng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng cực đoan, nước biển dâng cao kết hợp với gió mạnh, sóng lớn làm cho tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện tượng sạt lở không chỉ xuất hiện trong mùa mưa, bão mà còn xuất hiện ngay cả trong mùa khô.
Bên cạnh đó, hiện nay bờ biển xã Hiệp Thạnh cũng đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 900m (đoạn tiếp nối phía sau kè hiện hữu về hướng kè ấp Chợ), ăn sâu vào đất liền trên 50m, đe dọa tính mạng và tài sản của 199 hộ dân trong khu vực, cùng nhiều diện tích sản xuất vả công trình kè hiện hữu.
Bờ biển xã Trường Long Hòa đang xảy ra sạt lở chiều dài khoảng 1.700m (đoạn tiếp nối kè Cồn Trứng về hướng Vàm Láng Nước), làm ảnh hưởng khoảng 200 ha đất ở và đất canh tác của người dân, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hơn 600 hộ dân địa phương, với 3.000 nhân khẩu. Ngoài ra, khoảng 30 ha rừng ven biển có nguy cơ biến mất nếu không có giải pháp bảo vệ.