– Ở nước ta hiện nay, với nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh từ nhiều tuyến khác nhau (từ cấp Xã đến Trung ương) nên lượng rác thải y tế mỗi ngày cần được xử lý là rất lớn. Với nhiều lý do khác nhau đã khiến công tác thu gom và xử lý rác thải y tế còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác xử lý rác thải y tế
Liên quan tới công tác xử lý chất thải y tế, phóng viên Tạp chí Môi trường & Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng – Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế.
TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ y tế
MT&CS: Thưa bà xin bà cho biết một số kết quả trong công tác quản lý chất thải y tế mà chúng ta đã đạt được năm 2015?
TS. Nguyễn Thị Liên Hương: Sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, Cục Quản lý môi trường y tế là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế.
Cụ thể trong năm 2015, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 05 nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 58 giữa Bộ Y tế – Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế (thay thế Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành quy chế quản lý chất thải y tế). Đây là Thông tư quy định các hoạt động cơ bản trong quá trình quản lý chất thải y tế khâu phát sinh đến xử lý chất thải y tế và các mô hình xử lý chất thải y tế.
Thông tư này ban hành sẽ tháo gỡ được những khó khăn, tồn tại và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất thải y tế, đặc biệt là đối với việc xử lý chất thải theo mô hình cụm và việc quản lý chất thải tại các cơ sở quy mô nhỏ.
Bên cạnh việc ban hành văn bản chính sách, Bộ Y tế cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức về quản lý chất thải y tế của cán bộ y tế, cán bộ lãnh đạo quản lý và các đối tượng liên quan.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện để kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế và kịp thời chấn chỉnh nếu có vi phạm.
Kết quả công tác quản lý chất thải y tế đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể tỷ lệ bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế tăng 14% so với năm 2010.
MT&CS: Bên cạnh những chuyển biến tích cực, xin bà cho biết những khó khăn trong triển khai công tác quản lý chất thải y tế hiện nay?
TS. Nguyễn Thị Liên Hương: Hiện nay, công tác quản lý chất thải y tế cũng đang gặp phải khá nhiều khó khăn như: Thiếu kinh phí cho đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế và kinh phí vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế, đặc biệt là tại các cơ sở y tế quy mô nhỏ, không có nguồn thu. Một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo QĐ 1788 của Thủ tướng Chính phủ.
MT&CS: Để tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong thời gian tới, Cục đã và sẽ triển khai các giải pháp gì, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Liên Hương: Nhằm duy trì và tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất thải y tế trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến quản lý chất thải y tế, đặc biệt là cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế đối tác công tư trong quản lý chất thải y tế và đề xuất sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường liên quan đến quản lý chất thải y tế cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2014 và điều kiện thực tế.
Huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế gồm: Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương; Ngân sách của địa phương; Xây dựng cơ chế hợp tác công tư nhằm huy động các nguồn lực xã hội (iv) Vốn từ các dự án ODA. Hiện nay Bộ Y tế đang triển khai dự án Hỗ trợ xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện từ 200 giường bệnh trở lên và một số bệnh viện nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên toàn quốc vay vốn của Ngân hàng thế giới.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, xử lý chất thải y tế trong và ngoài bệnh viện; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế.
Triển khai các phong trào Bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp – Quản lý tốt chất thải y tế, các mô hình xử lý chất thải y tế tập trung, theo cụm.
MT & CS: Xin cảm ơn bà !
(Theo Môi trường và Cuộc sống)