Cuối tháng không lo tiền điện “độn” lên vì sử dụng điều hòa đúng cách

Yến Anh|08/05/2018 11:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Mùa nắng nóng đang đến gần, việc sở hữu một chiếc điều hòa nhiệt độ quả là lý tưởng. Tuy nhiên việc sử dụng một cách “vô tội vạ” các thiết bị này có thể sẽ khiến hóa đơn điện của bạn vào cuối tháng “độn” lên rất nhiều.

Sử dụng điều hòa đúng cách giúp tiết kiệm điện – Ảnh minh họa

Chọn công suất máy phù hợp diện tích phòng: Việc chọn điều hòa phù hợp với diện tích phòng là cực kỳ quan trọng. Bởi, điều hòa công suất nhỏ sẽ không thể làm mát phòng có diện tích lớn, hoặc luôn phải gồng mình chạy hết công suất để có thể làm mát được căn phòng. Do đó, điều hòa sẽ ngốn nhiều điện năng hơn vì phải chạy liên tục và tất nhiên, hóa đơn tiền điện sẽ tăng chóng mặt.

Điều chỉnh nhiệt độ vừa phải: Chỉnh nhiệt độ càng thấp, máy lạnh tiêu thụ điện càng nhiều hơn. Chỉnh nhiệt độ tùy vào khả năng thích ứng của mỗi người. Tuy nhiên, nếu nhiệt trong phòng chênh lệch quá lớn so với bên ngoài là điều không có lợi cho sức khỏe. Nếu máy không có chế độ ngủ, hãy tăng nhiệt độ phòng thêm 2oC, nếu cảm thấy nóng lúc đầu, hãy bổ sung thêm quạt trong vòng 1h. Không đặt nhiệt độ thấp đến mức phải nằm đệm và đắp chăn khi ngủ. Hãy tắt máy điều hoà khi ra khỏi phòng, tắt bằng điều khiển từ xa, sau đó ngắt áp tô mát. Nếu chỉ tắt bằng điều khiển máy vẫn tiêu thụ khoảng 15W.

Chỉnh hướng gió: Ở máy lạnh có những cánh để điều chỉnh hướng gió sang trái hoặc phải, hướng lên trên hoặc xuống. Do ảnh hưởng độ quay của quạt và vị trí của các ống dẫn hơi lạnh bên trong, nên đa số máy điều hòa nhiệt độ đều có xu hướng thổi hơi lạnh nhiều hơn về một phía của phòng. Bạn nên điều chỉnh hướng thổi lạnh vào khu vực cần thiết của phòng (giường tủ, bàn làm việc…). Từ đó, có thể chỉnh nhiệt độ ở mức tối ưu nhất.

Vệ sinh điều hòa định kỳ góp phần giảm lượng điện tiêu thụ khi sử dụng

Thường xuyên vệ sinh máy: Các bụi bẩn bám và tích tụ vào bề mặt dàn nóng, dàn lạnh, lưới lọc… làm trở ngại cho việc trao đổi nhiệt, làm máy chậm lạnh. Việc vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh ở máy lạnh hơi phức tạp và có liên quan đến an toàn điện.

Bạn có thể nhờ thợ điện lạnh bảo dưỡng định kỳ (khoảng 6 tháng/lần). Còn lưới lọc bụi, vệ sinh dễ dàng hơn, khoảng một tháng/lần. Bạn có thể tự làm, tháo ra và rửa sạch bằng bàn chải và xà bông.

Rửa giàn nóng: tắt máy lạnh, rút điện hoặc ngắt điện ở cầu dao điện, dùng vòi nước hoặc bình xịt nước áp lực xịt vào các lá kim loại của giàn nóng. Chú ý xịt nước thẳng hướng các khe giữa các lá kim loại; xịt không thẳng hướng có thể làm lệch các lá kim loại làm cho sau này không khí kém tiếp xúc.

Đóng kín các cửa: Nếu khi sử dụng điều hòa, nếu mở cửa thì khí lạnh sẽ bị thoát ra ngoài, nhiệt độ bên ngoài sẽ tác động đến nhiệt độ trong phòng, do đó máy lạnh sẽ phải hoạt động nhiều hơn và tốn rất nhiều điện.

Yến Anh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cuối tháng không lo tiền điện “độn” lên vì sử dụng điều hòa đúng cách
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.