Đa dạng ngành, phương thức xét tuyển Đại học năm 2021

Trọng Nhân|29/12/2020 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn –  Các trường ĐH đầu tiên công bố thông tin tuyển sinh năm 2021 đều tiếp tục sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và mở thêm nhiều chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Theo công bố của các trường, sẽ có nhiều phương thức xét tuyển được sử dụng dành cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau như xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ, các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng, qua phỏng vấn… hoặc dựa trên điểm các kỳ thi riêng do chính các trường tổ chức. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn giữ vai trò chủ đạo với phần lớn số chỉ tiêu xét tuyển.

Vì thế, để đỗ vào một trường đại học, thí sinh sẽ có thể “mở” nhiều “cánh cửa”, thậm chí “mở” nhiều lần.

Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2021 với tổng chỉ tiêu khoảng 7.000 sinh viên. Theo đó, thí sinh có 5 cách khác nhau để có thể dự tuyển vào đại học này với các hình thức xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức.

Ảnh minh họa

Trong đó, với phương thức xét tuyển tài năng, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng ba cách khác nhau: xét tuyển dựa trên các giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa trên điểm học bạ (đạt từ 8 điểm trở lên) kết hợp với phỏng vấn tại trường.

Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay trường dự kiến dành 50-60% cho phương thức xét tuyển theo điêm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 30-40% cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm bài thi đánh giá tư duy và 10-20% cho phương thức xét tuyển tài năng.

Đại học Ngoại thương cũng cho hay sẽ dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế…

Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào trong năm 2021. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các trường trực thuộc tính toán chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên điểm bài thi này bên cạnh phương thức xét tuyển trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như năm 2020.
Đáng chú ý, nhiều trường cho biết sẽ dành thêm nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021.

Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến tuyển hơn 8.000 chỉ tiêu, sử dụng 4 phương thức xét tuyển vào các ngành, chuyên ngành đào tạo của trường: 1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT (10% tổng chỉ tiêu); 2. Sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12 (các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng), ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu 20 điểm (dành 30% chỉ tiêu); 3. Sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 (10% chỉ tiêu); 4. Xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (50% chỉ tiêu).

Tại phân hiệu Quảng Ngãi, nhà trường cũng sử dụng 4 phương thức như cơ sở chính ở TP.HCM, nhưng riêng phương thức sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12, ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từ 18 điểm trở lên.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng sử dụng 4 phương thức xét tuyển trong năm 2021 với 3.500 chỉ tiêu: 1. Xét tuyển kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo các tổ hợp môn xét tuyển từng ngành học (tối đa 50% chỉ tiêu cho phương thức này); 2. Xét tuyển học bạ THPT các năm (40% chỉ tiêu); 3. Xét tuyển kết quả điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021, từ 650 điểm trở lên (5% chỉ tiêu); 4. Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và xét học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (5% chỉ tiêu).

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục Đại học đã quy định quyền tự chủ của các trường đại học, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Việc các trường tuyển sinh với nhiều phương thức khác nhau, nhiều đợt khác nhau vừa giúp trường đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn tuyển, vừa giúp thí sinh có nhiều cơ hội khác nhau để bước chân vào giảng đường đại học.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng ngành, phương thức xét tuyển Đại học năm 2021