Đa dạng sinh học ở Việt Nam- Bài 3: Giải pháp phục hồi

Hương Giang|18/02/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học là một trong 3 trọng tâm của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (DDSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng vừa phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2030, chúng ta phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

rang-san-ho.jpg
Các hệ sinh thái san hô, cỏ biển sẽ được bảo tồn và phục hồi.

Chiến lược này đặt đích đến năm 2030 là mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau: diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền phấn đấu đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; các khu vực tự nhiên được quốc tế công nhận: 15 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar), 14 khu dự trữ sinh quyển, 15 vườn di sản ASEAN; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42% - 43%.

Để thực hiện việc bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, Việt Nam xác định giải pháp lớn nhằm quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn; Củng cố và mở rộng các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái.

Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học

Sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả; Chú ý rà soát mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về ĐDSH và hiệu quả răn đe; Hướng dẫn lồng ghép nội dung bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch của một số ngành chủ chốt (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp) và của UBND cấp tỉnh.

dsh.jpg
Tăng cường các đơn vị quản lý nhà nước về đa dạng sinh học..

Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý về đa dạng sinh học; Xây dựng và thực hiện cơ chế phối họp giữa các cơ quan quản lý về đa dạng sinh học; Rà soát chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của các cơ quan nhà nước chủ chốt tham gia quản lý ĐDSH bao gồm vấn đề thực thi pháp luật về bảo tồn ĐDSH, cơ chế chia sẻ thông tin, kỹ năng và phối hợp hoạt động.

Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ quản lý đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương; Đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học các cấp; Đánh giá hiện trạng và phân tích nhu cầu xây dựng năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn và quản lý ĐDSH (đặc biệt là các cơ quan và đơn vị thuộc Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và các Ban quản lý KBT) nhằm xác định năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ hiện còn thiếu và đề xuất các chương trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ phù hợp.

Củng cố và tăng cường các đơn vị quản lý nhà nước về ĐDSH ở địa phương; Thành lập các đơn vị quản lý ĐDSH trong các Chi cục Bảo vệ môi trường và bố trí cán bộ chuyên trách về ĐDSH.

Tăng cường công tác thực thi pháp luật về quản lý và bảo tồn ĐDSH, bao gồm việc thực hiện đào tạo chuyên nghiệp và huấn luyện kỹ năng trong việc bảo đảm thực thi pháp luật về ĐDSH cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm, kiểm ngư, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, hải quan.

Thực hiện đào tạo nghiệp vụ thường xuyên về bảo tồn ĐDSH cho các cán bộ làm công tác bảo tồn tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các KBT, cơ sở bảo tồn ĐDSH; Ưu tiên các nội dung: lập kế hoạch quản lý, kế hoạch kinh doanh, điều tra và giám sát ĐDSH; Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, kỹ năng thu thập, xử lý và bảo quản mẫu động, thực vật; Nhận dạng và cứu hộ các loài; Hệ thống thông tin địa lý (GIS), xây dựng báo cáo và sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu…;

Nghiên cứu thiết lập mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học; Triển khai thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên; Thiết lập cơ sở dữ liệu, chế độ báo cáo và cơ chế chia sẻ thông tin về đa dạng sinh học của quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên; Xây dựng bộ chỉ thị ĐDSH và các hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc ĐDSH phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; Thực hiện dự án quan trắc thí điểm về ĐDSH cho 3 hệ sinh thái điển hình: rừng, biển và đất ngập nước.

Quản lý hiệu quả hệ thống di sản, khu bảo tồn

Để mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học, Việt Nam sẽ tập trung vào thực hiện hàng loạt các giải pháp về chính sách, thể chế.

Đó là, thực hiện hiệu quả Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước và biển; thành lập và quản lý bền vững các hành lang đa dạng sinh học kết nối giữa các khu bảo tồn thiên nhiên.

Về lâu dài, cần kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; rà soát, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực của các Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, hệ thống quan trắc đa dạng sinh học; giáo dục môi trường, đa dạng sinh học; thử nghiệm và từng bước áp dụng các mô hình đồng quản lý khu bảo tồn thiên nhiên ở những địa bàn phù hợp.

Nhằm tiêu chuẩn hóa các hệ thống di sản thiên nhiên, Việt Nam sẽ xây dựng, ban hành các tiêu chí và tổ chức thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; hướng dẫn đăng ký công nhận các khu bảo tồn thiên nhiên trong “Danh lục Xanh” toàn cầu.

Xây dựng các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bồi hoàn đa dạng sinh học, chính sách đầu tư cho di sản thiên nhiên, khu bảo tồn đất ngập nước, khu bảo tồn biển; xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế hộ gia đình bền vững của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong vùng đệm cũng là những chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Phục hồi các hệ sinh thái

Hàng loạt các hệ sinh thái đang bị suy thoái sẽ được lên kế hoạch phục hồi như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, trong đó ưu tiên tập trung ở các khu bảo tồn biển; khoanh vi bảo vệ để phục hồi tự nhiên các khu vực có rạn san hô, thảm cỏ biển đang bị suy thoái.

Đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp khoanh nuôi tái sinh, phục hồi tự nhiên các hệ sinh thái bị suy thoái trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học; xây dựng các quy trình và hướng dẫn kỹ thuật phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, đặc biệt các hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển.

Hai chương trình lớn triển khai có hiệu quả sẽ góp phần phục hồi các hệ sinh thái quan trọng, đó là Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030; Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với mục tiêu phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng.

Để bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực ngoài khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam sẽ tiến hành điều tra, đánh giá, xác định các khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng; hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả tại các khu vực này. Đồng thời hực hiện các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá, khai thác trái phép rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển; thúc đẩy việc quản lý hiệu quả các vùng đất ngập nước quan trọng; nhân rộng các mô hình sử dụng đất ngập nước hiệu quả.

Gìn giữ những giá trị đa dạng sinh học quý của thế giới

Với 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới; 3 di sản thiên nhiên thế giới; 10 Vườn di sản ASEAN…, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và tôn vinh. Để gìn giữ những di sản này, Việt Nam tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận, các khu dự trữ sinh quyển thế giới theo hướng quản lý tổng hợp, có sự tham gia của các bên liên quan; bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

da-dang-sv.jpg
Muốn bảo tồn đa dạng sinh học, cần bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền.

Chúng ta tiếp tục nghiên cứu, đề cử công nhận danh hiệu quốc tế về đa dạng sinh học; rà soát, đánh giá các khu vực đạt tiêu chí công nhận các danh hiệu quốc tế, chú trọng các khu vực đại diện cho vùng sinh thái, các khu vực biển, đảo trong việc đề cử các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế Ramsar, di sản thiên nhiên thế giới, vườn di sản ASEAN; thành lập và tăng cường năng lực mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên thế giới, khu Ramsar, vườn di sản ASEAN.

Từ thành công trong việc bảo tồn các di sản, Việt Nam còn xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng; ưu tiên áp dụng các mô hình thí điểm, cơ chế mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các khu dự trữ sinh quyển.

Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học

Chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các Điều ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Coi trọng vấn đề môi trường, bảo vệ ĐDSH trong đàm phán, ký kết hiệp định quốc tế; thu hút đầu tư nước ngoài về bảo tồn ĐDSH.

Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực nước ngoài cho bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Đề xuất các sáng kiến hợp tác quốc tế, tham gia và tổ chức thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế trong lĩnh vực ĐDSH mà Việt Nam là thành viên.

Tăng cường học tập, trao đổi nguồn lực, kinh nghiệm với các nước, tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học; Đẩy mạnh hợp tác khu vực và trên thế giới, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH.

Bài liên quan
  • Đa dạng sinh học ở Việt Nam - Bài 2: Nguyên nhân suy thoái
    Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật bị đe dọa, và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng sinh học ở Việt Nam- Bài 3: Giải pháp phục hồi