Đa dạng sinh học ở Việt Nam - Bài 2: Nguyên nhân suy thoái

Hương Giang|17/02/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật bị đe dọa, và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã và xem chúng là thần dược như sừng tê giác, cao hổ cốt, mật gấu đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người và họ sẵn sàng trả giá cao để có được các sản phẩm này. Nhiều loài là đối tượng săn lùng đã giảm số lượng trong thiên nhiên Việt Nam đến mức các thương lái hiện tại đã phải mua cả động vật hoang dã và sản phẩm của chúng từ các nước khác, như hầu hết tê tê gần đây được nhập lậu từ Malaysia, Myamar và Indonesia; sừng tê giác được vận chuyển từ Nam Phi. Thông tin từ CITES cho thấy Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trong khu vực, hoặc hình ảnh xẻ thịt voọc chà vá đăng tải trên các báo mạng đã gây bức xúc cho cộng đồng.

san-bat.jpg
Săn bắt động vật trái phép để buôn bán là tội ác, nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học.

Việc khai thác trái phép các loài hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí hoặc thương mại đã đẩy nhiều loài động vật của Việt Nam đến bờ vực của tuyệt chủng trong tự nhiên và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác. Trong năm 2010, Cục Kiểm lâm đã thu giữ trên 34 tấn gồm gần 13.000 cá thể động vật hoang dã bị buôn bán trái phép.

Tình trạng buôn bán các loài động vật hoang dã và sản phẩm của chúng ngày một tăng. Việc tiêu thụ động vật hoang dã đã trở thành phổ biến trong các nhà hàng và bày bán công khai trên thị trường, bất chấp việc vi phạm quy định của pháp luật. Đó chính là nguyên nhân đe doạ sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật. Ước tính ở Việt Nam hiện nay chỉ còn dưới 50 cá thể hổ ngoài tự nhiên và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao vì chúng đang sinh sống trong các khu rừng bị chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng, thú mồi cạn kiệt, khả năng thích nghi thấp, quần thể nhỏ dẫn tới hiện tượng cận huyết thống.

Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng khai thác tận diệt các cây thuốc quý để xuất lậu qua biên giới là khá phổ biến. Ở Cao Bằng, các đầu nậu Trung Quốc đã lập ra nhiều trạm thu mua và sơ chế dược liệu của địa phương như: củ bình vôi trắng, củ bình vôi vàng, giảo cổ lam, hoàng tinh vàng, huyết đằng, cỏ nhung… Nhiều loài cây thuốc đang bị xuất lậu sang Trung Quốc đến nay vẫn chưa rõ giá trị kinh tế cũng như công dụng chữa bệnh của chúng.

Việc khai thác quá mức của các loài thực vật không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học (ĐDSH), mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ gia đình phụ thuộc vào các sản phẩm rừng. Thiếu dữ liệu làm hạn chế việc đánh giá tầm quan trọng của mối đe dọa này. Ảnh hưởng của việc khai thác quá mức đối với nhiều nhóm cây

Dân số tăng và mức độ tiêu dùng tăng cùng với việc quản lý đánh bắt kém hiệu quả cũng đang dẫn tới việc khai thác thủy sản quá mức ở nhiều vùng nước làm suy giảm tổng lượng đánh bắt. Nhiều loài thuỷ sản có giá trị cao bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể, như cá anh vũ, cá lăng, cá chiên, tôm hùm, bào ngư, điệp... Các kỹ thuật khai thác mang tính hủy diệt như dung chất nổ, chất độc và sốc điện để đánh bắt thủy sản đang diễn ra lan tràn, không kiểm soát được ở cả vùng nước trong đất liền và trên biển, đang là mối đe dọa cao đối với các hệ sinh thái tự nhiên có mức ĐDSH cao như sông, suối vùng núi, đầm hồ, thảm cỏ biển và rạn san hô ở vùng nước ven bờ biển của nước ta.

Một điều đáng chú ý là ở những nơi có độ che phủ rừng cao như ở Đông Bắc Bộ, Tây Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên thì ở đó, tỷ lệ đói nghèo cao dễ dẫn tới khai thác trái phép và quá mức tài nguyên rừng và ĐDSH.

Biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các hệ sinh thái tự nhiên vốn đã bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và có thể không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao các loài sinh vật. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam (Bộ TN&MT, 2012), nếu nước biển dâng cao từ 75cm đến 1m thì khoảng 20 – 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 11% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập; 78 trong số 286 “sinh cảnh sống tự nhiên trọng yếu” (tương đương 27%), 46 KBT (tương đương 33%), 9 khu ĐDSH có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu ĐDSH khác ở Việt Nam sẽ bị tác động nghiêm trọng. Nhiều loài động, thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu tới ĐDSH ở Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ.

Ô nhiễm

o-nhiem.jpg
Ô nhiễm là một trong những tác động xấu đến đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tự nhiên.

Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý được đổ vào các sông, hồ, không được kiểm soát chặt chẽ đã tác động xấu đến ĐDSH của các hệ sinh thái tự nhiên này. Mở rộng thâm canh nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật với nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến và không kiểm soát được ở Việt Nam đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim và côn trùng ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố. Nhiều loài chim có ích chuyên tiêu diệt côn trùng có hại đã bị tiêu diệt, dẫn đến bùng phát nhiều dịch bệnh trên đồng ruộng. Nuôi cá tra, ba sa và các loài thuỷ, hải sản theo hình thức công nghiệp với mật độ nuôi cao ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm hữu cơ nhiều vực nước, tác động tới hệ sinh thái tự nhiên và quần xã thuỷ sinh ở đó.

Du nhập các loài ngoại lai xâm hại

Đến nay, vẫn chưa có một đánh giá tổng hợp về các loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam.

dvhd.jpg
Nhiều loài sinh vật ngoại lai làm mất đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, sự quan ngại về nguy cơ gây hại cho ĐDSH, sức khỏe con người và nền kinh tế của các loài ngoại lai xâm hại ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi ốc bươu vàng(Pomacea canaliculata) được đưa vào Việt Nam vào cuối những năm 1980 và nay đã lan rộng ra toàn quốc. Tính đến năm 1997, ốc bươu vàng đã gây hại cho 132.000 ha diện tích trồng lúa, gây ra thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm do sản lượng lúa bị giảm sút. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 94 loài thực vật ngoại lai di nhập vào Việt Nam, trong đó có 42 loài xâm hại, 12 loài xâm hại điển hình và đang phát triển nhanh như cây mai dương (Mimosa pigra), bèo nhật bản (Eichhornia crassipes).

Trong số này, cây mai dương lần đầu tiên được phát hiện tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) năm 1995, nay xâm nhập gần như khắp nơi và đã trở thành một nguy cơ lớn tại nhiều vùng đất ngập nước trong toàn quốc. Năm 2009, Bộ NN&PTNT đã công bố danh sách 48 loài động vật thuỷ sinh ngoại lai đã xâm nhập vào Việt Nam qua nhiều đường, trong đó, 14 loài được đánh giá là gây tác động có hại đối với ĐDSH thuỷ sản. Năm 2013, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã công bố Danh mục 25 loài ngoại lai xâm hại,15 loài ngoại lai nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam và 41 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chưa xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Nạn cháy rừng

Hàng năm ở nước ta vẫn xảy ra hàng trăm vụ cháy thiêu hủy hàng ngàn ha rừng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống và quần xã sinh vật trong sinh thái rừng. Theo Cục Kiểm lâm, từ năm 2002 đến năm 2009, trung bình mỗi năm xảy ra 704 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy trên phạm vi toàn quốc bình quân 5.082 ha/năm. Riêng thống kê 8 tháng đầu năm 2011, cả nước có 214 vụ cháy rừng và 263 vụ vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

nan-chay-rung.jpg
Cháy rừng ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần xã sinh vật trong sinh thái.

Vụ cháy rừng lớn xảy ra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) vào ngày 8 tháng 2 năm 2010 đã thiêu cháy khoảng 200 ha rừng và 700 ha cây bụi. Vụ cháy rừng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) vào tháng 4/2010 đã thiêu rụi 200 ha rừng, đe dọa tới nơi sinh cư của loài sếu đầu đỏ. Thực tế công tác chữa cháy rừng trong thời gian qua cho thấy, chúng ta đang thiếu rất nhiều các phương tiện chống cháy rừng hiện đại. Vì thế, việc chống cháy rừng rất khó, đặc biệt ở những cánh rừng vùng núi cao như ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Bên cạnh việc đầu tư them các thiết bị chữa cháy hiện đại để bảo vệ rừng, thì để phòng chống cháy rừng, cũng cần tang cường giáo dục và quản lý các hoạt động của người dân khi vào rừng canh tác nương rẫy hoặc khai thác tài nguyên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đa dạng sinh học ở Việt Nam - Bài 2: Nguyên nhân suy thoái
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.