Đà Nẵng: Hiệu quả từ mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” ở quận Liên Chiểu

Gia Hân|09/08/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau 12 năm triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” và mô hình “Tái chế rác thải” khu dân cư (KDC) Hòa Phú 5A (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trong khu dân cư.

Theo bà Đặng Ngọc Châu, một người dân sinh sống tại đây cho biết, từ khi mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” triển khai người dân đã hình thành thói quen tham gia tổng vệ sinh môi trường đều đặn rất nhiệt tình, trách nhiệm.

Cứ định kỳ 1 tháng 2 lần, các hộ dân trong khu dân cư lại tập trung để dọn dẹp, vệ sinh trên các tuyến đường, vỉa hè, công viên… trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian đầu việc triển khai thực hiện cũng gặp phải một số khó khăn, nhưng Trưởng ban công tác Mặt trận KDC đã kiên trì vận động, tuyên truyền và gương mẫu đi đầu thực hiện, dần dần người dân hiểu được ý nghĩa của việc sống xanh, sạch nên đồng lòng hưởng ứng.

khu-dan-cu-bao-ve-moi-truong.jpg
Ảnh minh họa

Chị Trần Thị Thu Hà, Trưởng ban công tác Mặt trận KDC Hòa Phú 5A cho biết, toàn khu dân cư hiện có 486 hộ dân, để thực hiện tốt mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường”, thời gian qua, KDC ký cam kết đổ, bỏ rác vào thùng chứa rác công cộng đúng nơi quy định, không đổ nước thải ra đường, không để khí thải, mùi hôi phát tán gây ảnh hưởng sức khỏe của mọi người xung quanh.

Hằng ngày quét dọn nhà ở, vỉa hè, lòng đường. Đặc biệt hơn, hằng tuần tham gia dọn vệ sinh tập thể theo tổ tự quản. Đồng thời, giữ gìn cảnh quan đường phố, không phơi phóng trước cửa nhà. Nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác vì cộng đồng để giữ KDC bình yên, an toàn, xanh, sạch, đẹp.

Tương tự, cùng mục đích bảo vệ môi trường sống, mô hình “Tái chế rác thải” hằng ngày, các hộ dân phân loại rác thải tại nguồn, những loại rác có thể tái sử dụng được như vỏ chai, bìa giấy, sắt vụn để riêng. Rác hữu cơ bỏ gọn để làm phân bón.

Với cách làm này, người dân nâng cao ý thức trong phân loại, tái sử dụng rác, vừa có thêm nguồn phân bón để sử dụng và làm giảm lượng rác thải ra môi trường. Trong đó, mô hình “Tái chế rác thải” được thực hiện cụ thể như: làm chổi quét sàn nhà, túi xách đi chợ, túi giỏ đựng tỏi... Đặc biệt là, mô hình tái chế, tái sử dụng vật dụng sinh hoạt, bảo vệ môi trường được người dân trong khu dân cư rất quan tâm.

Bà Phạm Thị Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường khẳng định, đây là những mô hình thiết thực Ủy ban Mặt trận phường chỉ đạo, tạo phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình “KDC tự quản bảo vệ môi trường”, mô hình “Tái chế rác thải” đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường của người dân.

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc vận động KDC chung tay bảo vệ môi trường, ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh chia sẻ, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình “Thành phố 4 an” góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030. Thời gian đến, UBND phường tiếp tục nhân rộng mô hình, tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn phường cùng chung tay gìn giữ, xây dựng môi trường trong ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng: Bảo đảm an ninh hệ thống cấp nước
    Mực nước sông Yên hạ thấp và sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng, Sở Xây dựng giao Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng phối hợp Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng chủ động tính toán, đẩy công suất cấp nước từ Nhà máy nước Hòa Liên lên khi cần thiết tùy theo nhu cầu sử dụng nước của người dân và áp lực, sản lượng nước từng thời điểm để bảo đảm an ninh hệ thống và cấp nước sinh hoạt an toàn cho thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Hiệu quả từ mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” ở quận Liên Chiểu