Đà Nẵng kêu gọi đầu tư để đổi mới công nghệ xử lý rác thải

Minh An|14/08/2024 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để đảm bảo công tác xử lý rác trên địa bàn, TP Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư để đổi mới công nghệ xử lý rác thải thay thế dần công nghệ chôn lấp.

Theo quy hoạch, TP Đà Nẵng dự kiến sẽ xây dựng ít nhất 2 nhà máy xử lý rác nhằm thực hiện lộ trình giảm tỉ lệ rác chôn lấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng đến nay, qua nhiều năm, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa có nhà máy nào chính thức được khởi động, triển khai xây dựng trên thực tế, ảnh hưởng đến lộ trình giảm tỉ lệ rác thải chôn lấp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng hiện nay, Thành phố đã và đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (đến năm 2030) và tiếp tục nghiên cứu Quy hoạch xử lý chất thải rắn phía Tây Thành phố định hướng đến năm 2050.

da-nang.jpg
Ảnh minh họa

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn qua quá trình đầu tư cho đến nay được đánh giá là một khu xử lý chất thải rắn có hạ tầng kỹ thuật cơ bản tốt, thu gom và xử lý toàn bộ nước rỉ rác đạt quy chuẩn; đảm bảo công tác vận hành chôn lấp rác thải hợp vệ sinh.

Ngoài ra, Thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư để đổi mới công nghệ xử lý rác thải (thay thế dần công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh) gồm: Nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm (theo Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp dự kiến đi vào hoạt động vào quý III/2026); Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của Thành phố 1.000 tấn/ngày đêm. Sau khi 2 nhà máy này đi vào hoạt động đảm bảo cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải của Thành phố.

Từ năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND để triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Phương thức triển khai phân loại rác thải tại nguồn tập trung vào 3 nhóm, trong đó có nhóm CTRSH có thể tái sử dụng, tái chế (gồm 3 loại giấy, nhựa, kim loại thải các loại), thành phần này chiếm tỷ lệ khoảng từ 10-25% trong tổng thành phần CTRSH của thành phố.

Qua 5 năm triển khai, hiện nay tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; 96,63% tổ dân phố thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn/tổng số tổ dân phố, 93,45 % số hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn/tổng số hộ gia đình; 91,83% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại CTR/tổng số cơ sở.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, với tỷ lệ số hộ gia đình triển khai phân loại tại nguồn đối với nhóm CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế đạt trên 93% tương đương khoảng 15 - 20% CTRSH trên địa bàn được tái chế tái sử dụng, sẽ góp phần giảm chất thải đi chôn lấp.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn, vệ sinh công cộng trên địa bàn, Đà Nẵng đã đầu tư kiện toàn hạ tầng các Trạm trung chuyển tập trung với công nghệ hiện đại.

Hiện nay, UBND thành phố đã tổ chức xây dựng và đưa vào vận hành 2 Trạm /4 Trạm trung chuyển CTRSH, đã tổ chức đánh giá hiệu quả các trạm và xem xét mở rộng các trạm này cùng với dự án cải tạo các điểm tập kết sạch đẹp, văn minh … ở khu vực đô thị, nông thôn.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng: Huyện Hòa Vang nỗ lực bảo vệ môi trường
    Thời gian qua, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã và đang phát động nhiều mô hình, phong trào và quyết liệt thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới đô thị loại IV vào đầu năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng kêu gọi đầu tư để đổi mới công nghệ xử lý rác thải